Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định, hai năm qua, khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục tăng trưởng khá trong điều kiện nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Sáng 6-4, hội nghị toàn quốc sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về "Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân", do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức đã được khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ: Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18-3-2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm, có mức tăng trưởng bình quân năm sau cao hơn năm trước, đầu tư nhiều hơn vào khu vực sản xuất, tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động công ích, hợp tác liên doanh với nhau, với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, qua đó, đóng góp ngày càng lớn hơn vào GDP của nền kinh tế. Nghị quyết được ban hành đã đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Qua quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), từng cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân tự liên hệ, kiểm điểm việc thực hiện, rút ra những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và công tác vận động; tạo quyết tâm cao, tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) đã đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh vai trò, vị trí và những định hướng phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành lực lượng mạnh, tạo động lực phát triển bền vững, lâu dài, tương xứng với tiềm năng của đất nước. 8 năm qua, các cấp ủy và tổ chức đảng đã tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình hành động, tích cực chỉ đạo thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều quy định của pháp luật đã được ban hành khá đồng bộ, tạo hành lang pháp lý, môi trường thể chế và tâm lý xã hội tốt cho kinh tế tư nhân phát triển. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của tư nhân. Kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần tích cực vào tăng trưởng nhanh nền kinh tế, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, qua đó tăng thêm lòng tin của nhân dân vào chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, 2 năm qua, trong điều kiện nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả quan trọng, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân có nơi, có lúc vẫn chưa được đầy đủ và còn thiếu nhất quán. So với yêu cầu đặt ra, việc đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế. Việc thể chế hóa một số nội dung của Nghị quyết còn chậm, chưa đồng bộ, một số quy định chưa sát với thực tiễn nên khó thực hiện. Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện chưa được tháo gỡ kịp thời. Một số cơ quan quản lý nhà nước các cấp chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn khó khăn, phức tạp. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý chưa thật phổ cập rộng rãi. Nhiều nơi chưa quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế tư nhân theo quy hoạch ngành và lãnh thổ. Kinh tế tư nhân phát triển còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra còn khá phổ biến, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp của tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận thắng thắn, trách nhiệm nêu bật những kết quả quan trộng sau 8 năm thực hiện nghị quyết; những hạn chế yếu kém và phân tích những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém. Qua đó, nhiều kiến nghị về luật pháp, cơ chế, chính sách được đề xuất để tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
(Theo TTXVN)