Khu vực công còn nhiều thất thoát, lãng phí

31/10/2022 14:56

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá thực trạng lãng phí xảy ra trong khu vực công nhiều hơn khu vực tư.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Trong phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 31.10 về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ lo lắng trước thực trạng lãng phí luôn xảy ra trong khu vực công nhiều hơn với mức độ trầm trọng hơn khu vực tư. Theo đánh giá của Đoàn giám sát, các cấp, ngành cơ bản đều triển khai chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tham mưu, ban hành văn bản liên quan được quan tâm; chất lượng từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

"Tuy nhiên, nỗ lực là thế nhưng tại khu vực công còn nhiều thất thoát, lãng phí từ việc nợ đọng thuế, thất thu thuế cho đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh quyết định đầu tư; dự án thất thoát, lãng phí, bị xét xử hình sự; thất thoát kinh phí sự nghiệp… Hằng năm, Quốc hội đều xem xét các báo cáo liên quan đến nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và triển khai rất nhiều chương trình từ Trung ương đến địa phương nhưng kết quả đạt được chưa cao như kỳ vọng. Việc lãng phí, thất thoát trong khu vực công vẫn xảy ra và đáng báo động", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

Nhất trí với những nguyên nhân và trách nhiệm của các hạn chế được Đoàn giám sát chỉ ra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng còn một nguyên nhân căn bản do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích bản thân. Tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian cho đến sử dụng hiệu quả, hợp lý tài sản công.

"Có một thực tế khá phổ biến là cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư. Lối sống thực dụng, ích kỷ chính là căn nguyên sâu xa gây lãng phí của công và tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là chấp hành quy định của pháp luật mà trước tiên phải có lối sống văn minh. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thì cần đặc biệt chú trọng đến bồi đắp, nâng cao đạo đức", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu.

Theo đại biểu, Chính phủ và Quốc hội cần quan tâm hơn nữa tới việc phát triển văn hóa toàn diện, tập trung vào việc giáo dục lối sống văn hóa, văn minh. Nếu tiết kiệm, chống lãng phí không trở thành một lối sống cá nhân thì dù hệ thống pháp luật có đồng bộ, chặt chẽ đến đâu cũng không hiệu quả. 

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khu vực công còn nhiều thất thoát, lãng phí