“Khu đô thị” Khúc Hà Linh

18/02/2015 16:49

Chưa từng công tác chính thức trong cơ quan báo chí, song số lượng bài báo cũng như các giải thưởng về báo chí và văn học của ông là niềm mơ ước của không ít người cầm bút. 



Tác giả Khúc Hà Linh nhận bằng khen về công tác báo chí của Bộ Tư lệnh Quân khu 3

Người yêu thử thách

Gặp tác giả Khúc Hà Linh, nếu đã biết đến kho tàng tác phẩm phong phú về thể loại của ông, hẳn nhiều người sẽ bối rối, không biết nên gọi ông với danh xưng gì: dịch giả, nhà báo, nhà biên kịch, đạo diễn, soạn giả hay nhà nghiên cứu. Vì ở vai trò nào ông cũng có những tác phẩm để lại nhiều dấu ấn cho độc giả, khán giả và cả thính giả nữa. “Có anh bạn vong niên cũng là nhà báo từng gọi tôi là khu đô thị vì lắm nhà quá”, ông cười khà khà giới thiệu.

Ở người đàn ông xấp xỉ ngưỡng cửa của tuổi 70 ấy vẫn toát lên vẻ tinh anh và phong thái năng động mà ngay cả những người trẻ tuổi không phải ai cũng có. Ông tâm sự rằng, đó có lẽ là kết quả của quá trình lao động miệt mài, không ngừng nghỉ trên cánh đồng chữ nghĩa trong ngót mười năm sau khi nghỉ hưu. Ông luôn giữ cho mình cường độ làm việc không thua kém những năm tháng còn đương chức. Thậm chí, có nhiều việc khi còn công tác chưa có thời gian thực hiện thì khi về hưu ông mới thỏa chí tung hoành. Chính vì vậy, trong số 14 huy chương vàng và bạc tại các kỳ liên hoan truyền hình toàn quân của ông, có tới 11 huy chương trao cho các tác phẩm ông sáng tác sau khi nghỉ hưu. Với ông, dường như tuổi tác không ảnh hưởng tới sức sáng tạo và lòng yêu công việc. Ông tự nhận mình là người yêu các thử thách và thời gian, tuổi tác là một thử thách ông đã và đang vượt qua để tiếp tục là “khu đô thị” với nhiều tác phẩm được đánh giá cao.

Yêu thử thách nên tác giả Khúc Hà Linh luôn thích làm việc khó, những việc ít người làm. Hơn 10 năm trước, ông đã dịch cuốn thơ “Đường thi tam bách thủ” do Nhà xuất bản Triết Giang (Trung Quốc) ấn hành, đồng thời in kèm cả bản chữ Hán để người đọc tiện đối chiếu. Cuốn thơ dịch được nhiều người tìm đọc và sắp được tái bản. Ông tiếp tục sửa chữa một số bản dịch cũ và bổ sung 15 bài dịch mới. Không được đào tạo chuyên sâu trong trường lớp về tiếng Trung, cuốn thơ dịch ấy là thành quả kết tinh của ngót nửa thế kỷ ông tự học. Ông cho biết: “Cha tôi là người bán sách chuyên nghiệp. Khi còn 9-10 tuổi, tôi đã như chú gà con nằm trong chiếc bồ toàn sách và chữ, sớm tối nhặt nhạnh, gom góp từng hạt chữ, hạt văn. Ngày ấy, trong hiệu sách của cha tôi có cuốn Khán đồ thức tự, tôi đã mê đọc. Về sau, tôi chỉ được học chữ Hán ở trường phổ thông, còn là tự học, tự đọc. Gặp một vỏ bao thuốc lá Đại tiền môn, Trung Hoa bài, một vỏ hộp cao dán, vỏ chai rượu Trung Quốc, tôi vẫn mầy mò đọc, xem họ viết gì trên đó. Tôi đọc từ điển Hán - Việt do Đào Duy Anh biên soạn, từ điển Hán - Việt Thiều Chửu, từ điển Tân Hoa, từ điển Hán - Việt hiện đại… Niềm đam mê học Hán văn đã khích lệ tôi dịch thơ Đường. Bởi dịch thơ cũng là cách học ngoại ngữ và tôn vinh ngôn ngữ nước nhà”.

Ông cũng là người “dũng cảm” khi xông vào “địa hạt” ít người muốn động chạm: nghiên cứu, xuất bản sách về các tác giả Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Văn Vĩnh. Trong đó, cuốn khảo cứu về tác giả Nguyễn Tường Tam đã được nhận Giải thưởng Côn Sơn về văn học nghệ thuật của UBND tỉnh năm 2011. Có những độc giả ở những nơi xa xôi gửi email bày tỏ niềm yêu thích với các tác phẩm của ông, xin ông gửi sách tặng kèm chữ ký. Dù không biết người nhận là ai, ông vẫn vui vẻ gửi tặng, vì lòng yêu mến của độc giả là phần thưởng lớn nhất ông mong nhận được và luôn hướng tới khi cầm bút viết.

Quan tâm tới con người

Ngay từ khi còn là học sinh Trường cấp III Nam Sách, tác giả Khúc Hà Linh đã nhận ra một điều: muốn viết hay, dù là viết báo hay viết văn, đều phải có cả năng khiếu và trải nghiệm. Chính vì vậy, những năm tháng sau này, dù chưa bao giờ là “nhà báo có thẻ”, song ông không ngừng đi, tìm tòi, khám phá muôn mặt đời sống. Ông đặc biệt quan tâm đến những con người thầm lặng nhưng có nhiều hy sinh, đóng góp cho cộng đồng. Đó là một nữ y tá nhiều năm tận tụy chăm sóc người bệnh tâm thần ở Chí Linh trong phóng sự truyền hình “Hoa trắng giữa rừng xanh”, là người phụ nữ đảm đang, hy sinh cả cuộc đời chăm sóc người chồng thương binh và con riêng của chồng bị nhiễm chất độc da cam trong phóng sự “Cổ tích vùng quê lúa”, là người thanh niên giàu ý chí, quyết tâm làm giàu từ mảnh ruộng trong phóng sự “Vàng… từ ruộng”… Nhiều tác phẩm báo chí đoạt giải của ông viết về những tấm gương bình dị như thế trong cuộc sống như: “Cha tôi”, “Người mẹ của những đứa con côi”, “Anh hùng giữa đời thường”, “Người ngoài Đảng xin thành lập chi bộ”…

Vừa có chất văn vừa có khả năng phát hiện đề tài một cách nhanh nhạy, sắc bén là thế mạnh của ngòi bút Khúc Hà Linh. Chất văn và chất báo hòa quyện trong các tác phẩm, bổ trợ cho nhau. Những bài báo của ông thường mềm mại, uyển chuyển dễ đi vào lòng người. Hình ảnh những con người tiêu biểu hiện lên trong tác phẩm của ông chân thực, sinh động và giàu sức thuyết phục. Và ngược lại, những tác phẩm văn học của ông giàu chất hiện thực, mang hơi thở ấm nồng của cuộc sống.

Mang trên vai hành trang trĩu nặng những giải thưởng văn học và báo chí, tác giả Khúc Hà Linh vẫn mải miết đi sâu vào những ngõ ngách trong đời sống, hăm hở khám phá và sáng tạo với lòng nhiệt tình tươi mới như thuở thanh niên. Trên cánh đồng chữ nghĩa đầy gian khó ấy hứa hẹn sẽ còn nhiều vụ mùa bội thu mang dấu ấn Khúc Hà Linh.

Các giải thưởng tác giả Khúc Hà Linh đã được trao:

- Giải khuyến khích Báo chí quốc gia 2014
- 2 giải báo chí Đại đoàn kết của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (năm 2008 và 2014)
- 5 lần đoạt Giải thưởng Côn Sơn về văn học nghệ thuật các năm 1991, 2001, 2006, 2011 (2 giải)
- 2 lần đoạt Giải thưởng báo chí Nguyễn Lương Bằng (năm 2001, 2011)
- 14 huy chương vàng, bạc trong các Liên hoan truyền hình toàn quân (năm 1997, 2001, 2003, 2007, 2009, 2011, 2013).



LAM ANH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Khu đô thị” Khúc Hà Linh