Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ bất bình trước thực trạng lạm thu học đường cứ "đến hẹn lại lên".
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng nhà trường nên trực tiếp thu các khoản đầu năm học và niêm yết công khai (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)
Quốc hội vừa hoàn thành 2 ngày thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước. Trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương về những vấn đề còn bất cập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng ngành giáo dục cần khẩn trương giải quyết 2 vấn đề lớn về lạm thu học đường và sách giáo khoa (SGK).
Về lạm thu học đường, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng đây không phải vấn đề mới nhưng vẫn tiếp diễn gây bức xúc cho phụ huynh. "Năm nay, nhiều nơi lại rộ lên câu chuyện lạm thu với những khoản phí lạ. Phải chăng chỉ thị, công văn chống lạm thu của cơ quan chức năng vẫn còn nhiều kẽ hở để lách luật? Liệu cơ quan chức năng đã phát huy hết vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát?", đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đặt câu hỏi.
Theo đại biểu, tại rất nhiều trường học, các khoản thu ngoài quy định hiện được đóng góp dưới danh nghĩa các loại quỹ dựa theo hình thức xã hội hoá. Thực tiễn cho thấy, xã hội hoá giáo dục là chính sách đúng đắn khi ngân sách cho giáo dục có hạn. Tuy nhiên, xã hội hoá theo kiểu giao hết cho ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện, thu tiền tài trợ theo hình thức tự nguyện trên "tinh thần bắt buộc" và chia đều bình quân là hết sức phi lý khiến phụ huynh bức xúc, mất niềm tin vào nhà trường.
Đại biểu Dung cho rằng nhà trường nên trực tiếp thu các khoản đầu năm học và lập danh sách niêm yết công khai để phụ huynh biết thay vì thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Như vậy, sẽ tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh qua lại giữa hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh khi xảy ra lạm thu. Từ đó, những cách hiểu sai rằng ban đại diện cha mẹ học sinh là cánh tay nối dài của nhà trường hay nhà trường giật dây để ban này lạm thu sẽ không còn.
"Ngăn chặn, chấn chỉnh lạm thu là yêu cầu cấp bách lúc này. Chính phủ và ngành giáo dục và đào tạo cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về các khoản thu trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, cần sự giám sát chặt chẽ trong khâu triển khai thực hiện, có chế tài xử lý nghiêm minh để tạo sức răn đe, tạo lòng tin cho phụ huynh với nhà trường, góp phần xây dựng và phát triển môi trường học tập văn minh, lành mạnh", đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề nghị.
Về vấn đề SGK, đại biểu cho rằng một chương trình, nhiều bộ SGK là chủ trương đúng nhưng thực hiện không trúng sẽ kéo theo bất cập về việc chọn sách trong nhà trường, sách dùng xong một năm rồi vứt bỏ gây lãng phí, mua SGK phải kèm sách tham khảo gây tốn kém, phải mua ở nhiều địa chỉ khác nhau... Do vậy, cần có những phương án chặt chẽ hơn trong thẩm định, lựa chọn SGK, hướng tới mục tiêu ổn định nội dung.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng nếu sách không được trợ giá phần lớn hoặc miễn phí hoàn toàn sẽ gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh, đặc biệt là các học sinh yếu thế. Chính phủ nên xem xét chi ngân sách để mua lại nội dung sách đã được thẩm định đúng, chính xác rồi cung cấp và in miễn phí hoặc chỉ tính giá mua giấy in, mực in bởi chỉ đạo giảm giá hay trợ giá cũng chỉ là biện pháp nhất thời.
PHONG TUYẾT