Các cơ quan an ninh của Mỹ đã phớt lờ những cảnh báo đưa ra vào mùa Hè năm 2001 rằng al-Qaeda muốn tấn công Mỹ và trên thực tế, đang điều động những kẻ khủng bố đến đất Mỹ.
Lợi dụng sự cởi mở của xã hội Mỹ
Vào một ngày bình yên của tháng 6.2001, có hai người đàn ông bước vào một cửa hàng nhỏ tại trung tâm mua sắm sầm uất ở Fort Lee, New Jersey – nơi cho thuê hộp thư dành cho những người tạm trú để nhận tấm séc, hóa đơn thanh toán hoặc các bức thư cá nhân.
Tại cửa hàng Mail Boxes Etc, hai người đàn ông đã rút ra một khoản tiền mặt và được thuê hộp thư mang số hiệu 417. Các nhân viên FBI sau đó được biết, 2 đối tượng trên đã nói với nhân viên cửa hàng rằng họ là đại diện của một công ty có trụ sở tại Paterson, New Jersey và họ chỉ cần thuê hộp thư đến cuối tháng 9.
Trên thực tế, 2 người đàn ông, được xác định là Hani Hanjour và Nawaf al-Hazmi không cần thuê lâu đến như vậy. Lời giải thích của họ chỉ là một cái cớ.
Vào ngày 11.9, Hani Hanjour, Nawaf al-Hazmi cùng với 17 tên không tặc khác của nhóm khủng bố al-Qaeda do Osama bin Laden dẫn đầu, đã cướp 4 chiếc máy bay thương mại và đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York, cánh tây Lầu Năm Góc và một cánh đồng nông trại ở Shanksville, Pennsylvania.
Việc 2 phần tử nói trên thuê hộp thư tạm thời tại New Jersey chỉ là một trong số hàng nghìn ví dụ cho thấy sự di chuyển bình thường của những kẻ khủng bố khoảng vài tháng trước khi vụ tấn công 11.9 xảy ra. Những chi tiết này đã được ghi lại trong một báo cáo đầy đủ, đã được giải mật của FBI. Báo cáo có tiêu đề “Lịch trình của những kẻ không tặc” mô tả chi tiết các hoạt động hàng ngày của 19 tên không tặc trước khi họ thực hiện vụ tấn công cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người và khiến Mỹ rơi vào cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước này.
Những kẻ khủng bố chủ yếu sinh sống ở vùng trung tâm Florida, phía nam California, bắc Virginia và bắc New Jersey. Chúng thuê ô tô, mở tài khoản ngân hàng, gọi điện thoại công cộng, đến các phòng tập gym hay cửa hàng cắt tóc... Đặc biệt chú ý là quãng thời gian chúng sinh sống tại New Jersey. Những khu phố đông đúc, đa văn hóa ở các quận Bergen và Passaic đã trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên của khoảng 10 tên trong số 19 tên khủng bố trong suốt mùa Hè năm 2001.
Một số đối tượng như Mohamed Atta, kẻ cầm đầu vụ tấn công ngày 11.9 đã bay từ Florida đến thị trấn Wayne ở New Jersey, đăng ký một nhà trọ và ở đó vài ngày, sau đó rời đi và tiếp tục quay trở lại. Những tên khác như Hanjour và al-Hazmik thì liên tục di chuyển chỗ ở.
Một ngày sau khi thuê hộp thư, Hanjour đã rút 161 USD từ máy ATM tại một ngân hàng đối diện với nghĩa trang Holy Sepulchre ở Totowa, New Jersey. Vào thời điểm đó, hắn không hề biết rằng, chỉ sau 2 tháng, Holy Sepulchre đã trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của nạn nhân chính thức đầu tiên trong vụ tấn công khủng bố - linh mục Mychal Judge. Bức ảnh lực lượng phản ứng nhanh đưa thi thể của ông ra khỏi đống đổ nát đã trở thành một trong những biểu tượng của tấn thảm kịch 11/9.
Những chuyến đi và đến của các đối tượng khủng bố ở phía Bắc New Jersey đã cho thấy cách chúng công khai lợi dụng cuộc sống của người dân Mỹ và sự cởi mở của xã hội Mỹ thời bấy giờ, trước khi vụ tấn công làm thay đổi mọi thứ và khiến nhà chức trách nước này đau đầu với vấn đề làm thế nào để giám sát công dân chặt chẽ hơn.
Cơ quan an ninh Mỹ đã phớt lờ cảnh báo
Trong bối cảnh Mỹ kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11.9, một bí ấn dai dẳng và gây tranh cãi nhất mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp đó là: làm cách nào 19 đối tượng từ Trung Đông – hầu hết không nói được tiếng Anh, có thể thực hiện trót lọt cuộc tấn công mà không bị phát hiện?
Hanjour và al-Hazmi là 2 đối tượng đặc biệt tích cực hòa nhập vào xã hội Mỹ. Một ngày trước khi thuê hộp thư tại Fort Lee, chúng đã đến phòng tập gym tại Totowa, New Jersey. Hanjour cũng thuê máy bay tại các sân bay ở Teterboro và Essex để thực hành bay. Đôi khi đối tượng này lái máy bay vượt qua sông Hudsan và bay gần Trung Tâm Thương mại Thế giới. Al-Hazmi thường xuyên thuê xe tại một đại lý xe Jeep ở Wayne.
Điều đáng chú ý là cả Hanjour và al-Hazmi cũng như những tên không tặc khác đều không sử dụng tên giả. Chúng không sống ẩn mình và không tránh tiếp xúc với các công dân Mỹ.
John J. Farmer Jr., cựu tổng chưởng lý New Jersey cho biết: “Chúng lẩn khuất trong đám đông, giống như cách mà chúng cướp máy bay và qua mặt radar và trạm kiểm soát không lưu”.
Ngoài ra, không kẻ nào trong số 19 tên không tặc đến Mỹ mà không có tài liệu. Chúng đến bằng máy bay thương mại, sử dụng thị thực được cấp một cách hợp pháp.
Trước đó, các cơ quan an ninh của Mỹ đã phớt lờ những cảnh báo đưa ra vào mùa hè năm 2001 rằng al-Qaeda muốn tấn công Mỹ - và trên thực tế, đang điều động những kẻ khủng bố đến đất Mỹ.
Trong số 19 tên không tặc, al-Hazmi và Khalid al-Mihdhar đã bị Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) theo dõi từ Trung Đông đến Malaysia tới Thái Lan và sau đó đến Los Angeles. Tuy nhiên, do CIA bị hạn chế thu thập thông tin của các công dân ở trong nước Mỹ nên cơ quan này đã từ bỏ nhiệm vụ. Và CIA cũng không bao giờ chia sẻ hành tung của al-Hazmi và al-Mihdhar với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) – cơ quan chuyên tiến hành các cuộc điều tra chống khủng bố ở Mỹ.
Thất bại trong việc ngăn chặn al-Hazmi và al-Mihdhar đã khiến Mark Rossini, một cựu đặc vụ FBI và chuyên gia chống khủng bố - người từng theo dõi mạng lưới al-Qaida vài tháng trước vụ tấn công 11.9, trăn trở suốt 2 thập kỷ.
Vào mùa hè năm 2001, Mark Rossini được chỉ định làm liên lạc viên của FBI kết nối với đội theo dõi trùm khủng bố Osama bin Laden của CIA, có mật danh là “Alec Station”. Khi làm việc với CIA, Rossini đã biết về sự xuất hiện của al-Hazmi and al-Mihdhar. Ông đã đề nghị CIA chuyển thông tin cho các đồng nghiệp FBI của Anh. Nhưng Rossini bị yêu cầu giữ im lặng, bởi CIA coi thông tin đó là tối mật và chưa sẵn sàng cho FBI.
Nhớ về thảm kịch kinh hoàng ngày 11.9, Rossini ước rằng giá như lúc đó, ông phá vỡ các quy tắc của CIA. Trả lời trong cuộc phỏng vấn của USA Today, ông Rossini cho biết: “Về cơ bản điều đó khiến tôi bị suy nhược thần kinh. Nỗi ám ảnh đã đẩy tôi đến bờ vực. Tôi cảm thấy mình giống như Don Quixote chiến đấu với những chiếc cối xay gió. Tôi đã mất niềm tin vào công lý. Tôi đã mất niềm tin vào hệ thống”.
Rossini cho biết, các đồng nghiệp CIA đã nói với anh rằng, sự xuất hiện của al-Mihdhar và al-Hazmi không phải là dấu hiệu cho thấy sẽ có một cuộc tấn công vào Mỹ mà đó chỉ là sự đánh lạc hướng. Theo Rossini, CIA đã nhầm lẫn khi tin rằng cuộc tấn công của al-Qaeda sẽ diễn ra ở Đông Nam Á.
Vài tuần trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi, CIA cuối cùng đã chấp nhận nhượng bộ và thông báo cho FBI rằng, có ít nhất 2 kẻ khủng bố của al-Qaeda là al-Hazmi và al-Mihdhar đang hoạt động ở Mỹ. Nhưng đã quá trễ.
“Nếu FBI được thông báo sớm hơn. Âm mưu tấn công đã có thể bị chặn đứng”, Rossini nói.
Những tình tiết quan trọng đã bị bỏ qua
Mary Galligan, một cựu đặc vụ FBI – người tham gia điều tra vụ tấn công khủng bố cho biết, những tên không tặc này không thực hiện bất cứ hành vi phạm tội nào cho đến khi chúng cướp máy bay thương mại. Và như vậy, chúng không thu hút sự chú ý của cảnh sát hoặc người dân.
Có một câu hỏi mà Galligan không thể trả lời được là liệu các công dân Mỹ có tích cực tham gia âm mưu tấn công khủng bố bằng cách cố ý hỗ trợ những đối tượng đó hay không. Giống như Tom Kean - cựu thống đốc New Jersey, ông Galligan tin rằng các công dân Mỹ có khả năng đã tư vấn cho những kẻ không tặc về máy ATM, dịch vụ điện thoại, dịch vụ ngân hàng mà không biết chúng liên quan đến tổ chức khủng bố nguy hiểm.
“Tôi nghĩ rằng, sự giúp đỡ mà chúng nhận được đều đến từ những người không biết chúng là không tặc”, ông Galligan nói. Kết quả là, cảnh sát sẽ bắt được rất ít đồng phạm.
Một trường hợp ngoại lệ đó là Mohamed el-Atriss – một chủ cửa hàng gốc Ai Cập – người chuyên bán thẻ căn cước (ID) giả. Trong nhiều năm, el-Atriss đã bán các ID giả một cách công khai, hầu hết cho những người nhập cư không có giấy tờ đến từ Mỹ Latin và Mexico. Nhưng ngay trước vụ tấn công 11.9, Mohamed el-Atriss đã bán ID giả cho hai tên khủng bố al-Mihdhar và al-Omari.
Sau vụ tấn công, FBI đã liên lạc với el-Atriss nhưng không bắt được đối tượng. Cùng thời điểm đó, cảnh sát địa phương ở Paterson cũng theo dõi el-Atriss và bắt giữ hắn vào năm 2002 với tội danh bán ID và các tài liệu giả.
Sau đó, nhà chức trách liên bang đã nhanh chóng kết thúc vụ án này, niêm phong tất cả tài liệu và lời khai. El-Atriss nhiều lần khẳng định rằng đối tượng không hề biết al-Mihdhar và al-Omari và chỉ coi 2 người này là những khách hàng bình thường muốn mua ID để qua mặt cảnh sát địa phương.
Hai thập kỷ sau, Fred Ernst – một cựu sỹ quan cảnh sát thuộc sở cảnh sát hạt Passaic, người dẫn đầu cuộc điều tra về el-Atriss tin rằng đối tượng này biết 2 phần tử nói trên là “người xấu”.
“Anh ta có thể không biết họ sẽ cướp máy bay. Nhưng tôi không nghi ngờ về việc anh ta biết họ là kẻ xấu”.
Một tình tiết đáng lo ngại khác diễn ra vào một đêm tháng 7.2001 tại một nhà trọ rẻ tiền ở New Jersey. Hai trong số những kẻ tấn công khủng bố, là Khalid al-Mihdhar và Nawaf al-Hazmi đã ở lại đây trước các cuộc tấn công. Nhân viên cảnh sát David Agar, lúc đó 25 tuổi đã tấp vào một bãi đỗ xe của Congress Inn để làm nhiệm vụ tuần tra theo thông lệ. Thời điểm đó, các nhà trọ ở khu vực này thường xuyên diễn ra hoạt động mại dâm và buôn bán ma túy. Agar đã phát hiện một chiếc Toyota Corolla màu xanh nhạt mang biển số California. “Đối với tôi, chiếc xe này thu hút sự chú ý vì chúng tôi rất ít khi thấy ô tô mang biển số California ở đây”.
Anh dừng lại và ghi biển số, sau đó nhập những con số này vào hệ thống cảnh báo tội phạm quốc gia của FBI. Hệ thống này có thể gửi cảnh báo về đối tượng khả nghi cho cảnh sát địa phương để thực hiện cuộc bắt giữ hoặc triệu tập các nhà điều tra liên bang. Kết quả cho thấy đây là biển số của xe cho thuê và người thuê là Nawaf al-Hazmi. Nhưng lúc đó, FBI vẫn chưa được CIA thông báo rằng al-Hazmi là một thành viên của al-Qaeda, vì thế không có bất cứ cảnh báo nào được đưa ra.
Ngày nay, câu chuyện này không chỉ là lời nhắc nhở về việc những kẻ khủng bố đã thâm nhập sâu vào cuộc sống của người Mỹ như thế nào. Nó cũng cho thấy việc cảnh sát và các cơ quan đặc vụ Mỹ đã tiến gần hơn đến việc phá vỡ âm mưu khủng bố và đáng lẽ ra họ có thể ngăn chặn được vụ tấn công nếu có sự hợp tác tốt hơn.
Theo VOV