Không sáp nhập cơ học 3 cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự

01/11/2022 20:40

Chiều 1.11, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự. 2 đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chỉ ra nhiều quy định còn bất cập trong dự án Luật Phòng thủ dân sự.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa chỉ ra nhiều bất cập về các quy định liên quan đến giáo dục trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (Ảnh: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương)

Dễ phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự (PTDS) là tổ chức phối hợp liên ngành trên cơ sở hợp nhất 3 cơ quan Trung ương là Ban Chỉ đạo PTDS quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tương tự ở cấp bộ, ngành và địa phương, giúp giảm đầu mối. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ kết quả hoạt động thực tiễn của 3 cơ quan này trong thời gian qua để rút kinh nghiệm. Từ đó, quy định về mô hình chỉ đạo chỉ huy PTDS hoàn thiện, phù hợp hơn. Việc này nhằm tránh tình trạng sáp nhập một cách cơ học, còn cách thức hoạt động vẫn riêng biệt và dễ phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết trong khi ứng phó với sự cố, thảm họa cần cực nhanh.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị cân nhắc khi đưa nội dung giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về PTDS vào môn giáo dục quốc phòng và an ninh.

Về một số khái niệm cơ bản về PTDS, dự thảo luật quy định bộ phận phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, Luật Quốc phòng không quy định PTDS bao gồm các biện pháp khắc phục hậu quả chiến tranh. Về bất cập này, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, giải trình rõ hơn và bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng.

Về nguồn tài chính cho PTDS, dự thảo luật quy định Quỹ PTDS được hình thành trên cơ sở sáp nhập Quỹ Phòng chống thiên tai và Quỹ Hỗ trợ phòng chống dịch. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nhất trí với chủ trương này và đề nghị Ban soạn thảo báo cáo rõ hơn về quy định sáp nhập các loại quỹ, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, quản lý và sử dụng các loại quỹ này trong thời gian qua để huy động và sử dụng tốt hơn. 

Cân nhắc kỹ việc hình thành Quỹ Phòng thủ dân sự


Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị quản lý Quỹ Phòng thủ dân sự đúng quy định pháp luật (Ảnh: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương)

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đề nghị cân nhắc kỹ việc hình thành quỹ PTDS, sắp xếp bảo đảm hiệu quả, điều tiết giữa các quỹ phù hợp, đúng nguyên tắc và quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn nội dung liên quan đến Luật Đê điều; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Năng lượng nguyên tử vì đây là 3 luật tác động nhiều tới Luật PTDS. Bên cạnh đó, việc phân loại cấp độ PTDS hiện phụ thuộc nhiều vào phân loại theo địa bàn trong khi nhiều thảm họa có quy mô nhỏ nhưng tính chất rất phức tạp. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung phân loại cấp độ theo tính chất sự cố.

Đóng góp ý kiến vào quy định về khoa học - công nghệ trong PTDS, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị bỏ khoản 2 điều 7 vì nội dung này không liên quan đến khoa học - công nghệ và bổ sung vào nội dung khác cho phù hợp hơn. Các quy định về ứng dụng công nghệ dữ liệu trong PTDS chưa rõ ràng trong khi vấn đề khoa học - công nghệ hiện rất quan trọng trong tình hình mới.

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Không sáp nhập cơ học 3 cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự