Không sang được Hàn Quốc lao động, không phải đã "chấm hết"

18/08/2016 07:26

Nếu đi XKLĐ được sẽ là cơ hội tốt để phát triển kinh tế, nếu không được thì cần nỗ lực tìm hoặc tạo ra những việc làm mới phù hợp ngay trên đồng đất quê hương mình.

Gần đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2016 đối với 10 tỉnh, 90 quận, huyện có số lao động hết hạn hợp đồng không về nước cư trú bất hợp pháp, trong đó Hải Dương có 5 huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Bình Giang và thị xã Chí Linh, TP Hải Dương.

Biết được thông tin này, nhiều người đang học tiếng Hàn, vay tiền ngân hàng chuẩn bị đi lao động tại Hàn Quốc tỏ ra chán nản, thất vọng, coi như mất "cơ hội vàng" để đổi đời, làm giàu.

Những năm qua, việc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nói chung và XKLĐ sang Hàn Quốc nói riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ở những nơi có nhiều người đi XKLĐ sang Hàn Quốc, kinh tế gia đình khá giả hơn... góp phần làm cho làng xóm thêm khang trang.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích về kinh tế - xã hội, việc đi XKLĐ cũng nảy sinh những hệ lụy. Một số gia đình có chồng hoặc vợ đi XKLĐ xuất hiện những rạn nứt, nghi kỵ lẫn nhau. Con cái ở nhà không được chăm sóc chu đáo, bảo ban cặn kẽ, trốn học, rơi vào tệ nạn xã hội. Với những phụ nữ chưa lập gia đình riêng, mải kiếm tiền ở xứ người, khi về nước, tuổi đã cao hoặc có những dị nghị, khó lập gia đình...

Cho nên, nếu đi XKLĐ được sẽ là cơ hội tốt để phát triển kinh tế, nếu không được thì cần nỗ lực tìm hoặc tạo ra những việc làm mới phù hợp ngay trên đồng đất quê hương mình. Cần có nhận thức đúng đắn là: Việc đi lao động ở Hàn Quốc hoặc ở nước ngoài nói chung chỉ là giải pháp tình thế nhằm giải quyết một phần khó khăn về kinh tế của gia đình, bản thân. Lao động tại chỗ, lao động trong nước mới là cơ bản. Do vậy, mỗi người trong chúng ta cần phải trau dồi kiến thức, bản lĩnh, nghề nghiệp, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, tự tìm cho mình một công việc thích hợp, thậm chí tạo lập cơ sở sản xuất, kinh doanh đi từ nhỏ đến lớn. Nhiều người làm như vậy, chúng ta sẽ góp phần tạo nên một nền kinh tế năng động, sáng tạo. Nhà nước đang khuyến khích khởi nghiệp và có biện pháp hỗ trợ. Tại sao ta không nghĩ tự tạo việc làm cho mình và cho xã hội mà chỉ thụ động trông chờ đi XKLĐ.

XKLĐ thực chất là đi làm thuê. Về lâu dài, XKLĐ không còn là cứu cánh nữa, mà khởi nghiệp mới là cứu cánh.

VŨ HOÀNG(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Không sang được Hàn Quốc lao động, không phải đã "chấm hết"