Từ mùa xuân năm 1930 đến mùa xuân 1979 đánh dấu 13 mùa xuân cách mạng, gắn với những sự kiện trọng đại của đất nước trong chặng đường đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Gần một thế kỷ thực dân Pháp đô hộ nước ta. Bao nhiêu cuộc khởi nghĩa chống Pháp như Bãi Sậy, Đốc Tít, Ba Đình, Hương Khê, Yên Thế, Thái Nguyên… đều thất bại. Máu của bao người con yêu nước vẫn tiếp tục đổ.
Mãi đến mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tuy chưa phải là cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân nhưng là tiền đề, là bước khởi đầu không thể thiếu của cách mạng. Vì thế ta có thể gọi mùa xuân 1930 là mùa xuân cách mạng thứ nhất, báo hiệu sự hồi sinh đất nước như nhà thơ Tố Hữu viết trong tác phẩm Ba mươi năm đời ta có Đảng: “Đời ta gương vỡ lại lành/ Cây khô cây lại đâm cành nở hoa”.
Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là Bác Hồ kính yêu. Sau 30 năm rời xa quê hương, gia đình, chấp nhận mọi gian nguy cực khổ, Bác đã tìm thấy tấm “Bản đồ cách mạng”, đó chính là chủ nghĩa Mác-Lênin. Mùa xuân 1941, vào ngày 28.1 (tức mùng 2 Tết Canh Ngọ), Bác đã về Pác Bó. Mặc dù còn phải bí mật nhưng sự kiện này rất quan trọng với cách mạng Việt Nam. Nó mở ra giai đoạn hành động cách mạng cụ thể và khẩn trương chuẩn bị cho giành chính quyền. Vì thế ta gọi xuân 1941 là mùa xuân cách mạng thứ hai. Mùa xuân này đẹp quá, vui quá nhưng vẫn phải giấu đi tiếng reo vui của mình: “Bác về... Im lặng. Con chim hót. Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...” (thơ Tố Hữu).
Rồi cách mạng thành công, dân tộc ta thoát khỏi nô lệ. Mùa xuân cách mạng thứ ba đã tới. Đó là ngày 6.1.1946, hơn 90% số cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với 333 đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam; đại diện cho các dân tộc, các tầng lớp xã hội. Cầm lá phiếu là nắm quyền làm chủ trong tay. Ta làm chủ đời ta, làm chủ quê hương, đất nước ta.
Tưởng vận nước cứ thế đi lên, ai ngờ thực dân Pháp lại rắp tâm cướp nước ta một lần nữa. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân ta đứng lên chiến đấu. Ở Thủ đô Hà Nội, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Trung đoàn thủ đô được thành lập và đánh những trận lớn ở Phủ Bắc Bộ, chợ Đồng Xuân, nhà Bưu điện… Sau 2 tháng chiến đấu kiên cường, ngày 17.2.1947, để bảo toàn lực lượng đánh giặc lâu dài, cả trung đoàn đã rút khỏi vòng vây của địch, ra vùng căn cứ an toàn. Đây là mùa xuân cách mạng thứ tư. Mùa xuân ghi dấu ấn cuộc rút lui chiến lược của ta để trường kỳ kháng chiến. Hàng mấy nghìn chiến sĩ, trong một đêm đã “vượt mặt” thực dân Pháp một cách an toàn là thắng lợi rất quan trọng trong lúc thế của ta yếu hơn giặc rất nhiều.
Nhờ có đường lối chiến lược đúng đắn của Đảng, Chính phủ do Hồ Chủ tịch đứng đầu mà cuộc kháng chiến của ta ngày một thắng lợi. Ta càng đánh càng mạnh. Một sự kiện trọng đại đã đến ở mùa xuân thứ năm. Đó là Đại hội Đảng lần thứ hai họp tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang) từ ngày 11-19.2.1951. Đại hội đã tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của Đảng từ năm 1930, định rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam; quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập Đảng Cộng sản riêng ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia; đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên mới: Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội cũng đã thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ mới của Đảng… Đây là “Đại hội kháng chiến thắng lợi” như nghị quyết đã nêu.
3 năm sau, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Hòa bình đã trở lại. Trung ương Đảng và Chính phủ từ căn cứ địa Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội trong niềm vui bất tận của người chiến thắng. 9 năm đầy hy sinh, gian khổ trôi qua. Mùa xuân Ất Mùi, ngày 1.1.1955, Chính phủ ra mắt nhân dân thủ đô giữa rừng “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ” (thơ Tố Hữu). Đây là mùa xuân cách mạng thứ sáu rất đáng ghi nhớ.
Trong bối cảnh đất nước lúc này vẫn tạm chia cách. Miền Nam, bọn Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Genève. Chúng vừa ra sức chém giết những người yêu nước, chống Pháp trước đây, vừa dồn dân vào các ấp chiến lược để dễ bề kìm kẹp. Chúng ráo riết hô hào “Bắc tiến” và thường xuyên càn quét, khủng bố, tàn sát đồng bào. Không thể chấp nhận cuộc sống ngột ngạt nữa. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời năm 1960 thì mùa xuân năm 1961 Quân Giải phóng miền Nam được thành lập vào tháng 2. Đó là mùa xuân cách mạng thứ bảy mang dấu ấn một sự kiện lớn.
2 năm sau, vào ngày 2.1.1963, Quân giải phóng ghi chiến công hiển hách đầu tiên. Đó là chiến thắng Ấp Bắc (Mỹ Tho). Quân giải phóng non trẻ nhưng thông minh và quả cảm đã đánh bại cuộc hành quân càn quét của hơn 2.000 lính chế độ Sài Gòn có cố vấn Mỹ chỉ huy và các vũ khí hiện đại. Chiến thắng mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Có thể nói xuân Quý Mão 1963 là mùa xuân cách mạng thứ tám mãi mãi không thể quên.
Quân giải phóng ngày càng lớn mạnh. Từ sau chiến thắng Ấp Bắc, tiếp ngay chiến thắng Bình Giã (Bà Rịa) cuối 1964; rồi chiến thắng Vạn Tường (Quảng Ngãi) 1965, chiến thắng Núi Thành (Quảng Nam) cũng vào năm 1965… đã khẳng định thế và lực của cách mạng ở miền Nam. Vì thế đêm 30 rạng sáng 31.1.1968 (Tết Mậu Thân), quân ta đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy như vũ bão. Cuộc tiến công bắt đầu từ mùa xuân, kéo dài đến tháng 9. Chúng ta đã chủ động “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Ta đánh vào một loạt cơ quan đầu não của chúng ở Sài Gòn như tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Đài Phát thanh… loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục vạn quân địch. Đây là mùa xuân cách mạng thứ chín đã đi vào lịch sử dân tộc, đúng như thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp mọi nhà/ Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”.
Thơ chúc Tết cũng là lời kêu gọi của Bác, đã mang đến cho miền Nam một sức mạnh mới để mùa xuân 1971, chúng ta có Chiến thắng đường 9 - Nam Lào. Chiến dịch diễn ra có 33 ngày nhưng chúng ta đã loại khỏi vòng chiến 22.000 quân Mỹ - ngụy. Đó là chiến công vang dội, đi vào lịch sử và mùa xuân này là mùa xuân cách mạng thứ mười không thể quên.
Sang mùa xuân cách mạng thứ mười một là mùa xuân tràn đầy niềm vui. Đó là mùa xuân Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27.1.1973 với nội dung chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Mỹ đã rút quân khỏi miền Nam nhưng bộ máy cầm quyền ngụy chưa sụp đổ. Quân ngụy vẫn cố tình phá hoại hiệp nghị, cố tình chia cắt đất nước. Chính vì thế, mùa xuân 1975 chúng ta phải mở cuộc tổng tiến công để giải phóng miền Nam. Cuộc chiến diễn ra trong gần hai tháng và chia làm 3 chiến dịch lớn. Kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cách mạng toàn thắng vào ngày 30.4.1975. Đây là mùa xuân hoàn chỉnh cuộc cách mạng giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm - mùa xuân cách mạng thứ mười hai, rực rỡ, tràn đầy niềm vui và ý nghĩa biết bao nhiêu.
Thế nhưng, theo lời đề nghị và tiếng kêu cứu của hàng triệu dân Campuchia trước nạn diệt chủng, mùa xuân 1979 đất nước lại ra quân cùng nước bạn giải phóng Thủ đô Phnômpênh, lật đổ chế độ Pôn Pốt. Vừa mới giúp bạn xong, hơn một tháng sau, 60 vạn quân Trung Quốc tràn vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Cả dân tộc Việt Nam lại quay súng đánh trả 60 vạn quân xâm lược. Vừa tròn 1 tháng, 30 sư đoàn quân Trung Quốc tả tơi kéo nhau về. Mùa xuân 1979 là mùa xuân cách mạng thứ mười ba không bao giờ quên.
Mùa xuân là mùa của trời - đất, mùa của hoa thơm, lộc biếc, của sự sinh sôi bất diệt. Có phải trời - đất yêu thương dân tộc ta mà hay đem mùa xuân gắn với những sự kiện vĩ đại của cách mạng Việt Nam, để lại trong lịch sử nước ta, để lại trong lòng gần 100 triệu con Hồng, cháu Lạc những xúc cảm tự hào và kiêu hãnh. Và cũng chính từ 13 mùa xuân ấy đã làm nên vị thế nước ta trên trường quốc tế. Những mùa xuân khác cứ nối tiếp niềm vui. Đất nước đang vào vận hội mới. Hy vọng mùa xuân Tân Sửu 2021 với Nghị quyết Đại hội Đảng XIII sẽ đưa Việt Nam ta bay cao, bay xa hơn nữa!
VĂN DUY