Không qua đại học vẫn khởi nghiệp thành công

03/01/2017 09:09

Con đường vươn lên làm giàu của họ không qua cổng trường đại học nhưng luôn chất chứa tinh thần ham học hỏi, năng động và sáng tạo.


Họ là những thanh niên thế hệ 8X mạnh dạn tìm lối đi riêng để khởi nghiệp. Con đường vươn lên làm giàu của họ không qua cổng trường đại học nhưng luôn chất chứa tinh thần ham học hỏi, năng động và sáng tạo.




Anh Lê Văn Quảng hướng dẫn một công đoạn làm chổi cho công nhân

Tìm lối đi riêng

Dù chỉ tốt nghiệp cấp 2 và cùng sinh năm 1982 song vợ chồng chị Trần Thị Huệ và anh Nguyễn Văn Đô ở khu dân cư số 1, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) đã làm chủ một doanh nghiệp mang tên Công ty TNHH Thành Đô chuyên sản xuất áo mưa.

Khởi nghiệp bằng nghề phân phối áo mưa lẻ, sau một thời gian quan sát, tìm hiểu thị trường, vợ chồng chị Huệ quyết định đi vào khâu sản xuất. Năm 2005, xưởng sản xuất áo mưa của gia đình anh chị là xưởng đầu tiên ở xã Đoàn Tùng làm mặt hàng này. Một thời gian sau, khi thấy anh chị làm ăn có lãi, hàng chục hộ trong xã cũng tham gia làm. Trước tình hình đó, vợ chồng chị Huệ lại phải suy nghĩ tìm lối đi riêng, khác với những người xung quanh thì mới cạnh tranh được. Chị Huệ cho biết: "Chúng tôi có ưu thế hơn những nhà khác về kinh nghiệm sản xuất, mối hàng lâu năm, mặt hàng cũng đa dạng, phong phú hơn. Trên cơ sở đó, chúng tôi đi tìm các đơn hàng lớn, chất lượng cao mà các hộ sản xuất nhỏ lẻ không đáp ứng được. Trong đó, chủ lực là các đơn hàng làm quà tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp". Nhờ vậy, mặc dù áo mưa là mặt hàng bán theo mùa nhưng Công ty TNHH Thành Đô vẫn xuất hàng quanh năm. Mỗi năm, công ty đạt doanh thu hơn 6 tỷ đồng.

Tìm được những con đường đi riêng dựa trên thế mạnh của mình là cách sản xuất, kinh doanh thành công của nhiều thanh niên thế hệ 8X. Khi tạo được bản sắc riêng về sản phẩm hoặc tìm được phân khúc thị trường khác với những người làm cùng lĩnh vực, họ sớm có được thành công sau khoảng thời gian không quá dài. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp anh Nguyễn Hữu Tùng (sinh năm 1981, ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ, Tứ Kỳ) làm ăn phát đạt bằng nghề nuôi cá. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Tùng không thi đại học mà xác định tự làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong khi hầu hết các hộ khác sản xuất cá thương phẩm bán đại trà ngoài thị trường, mỗi con cá nặng tầm 1-2 kg thì anh Tùng đã đi vào phân khúc cung cấp cá to cho các nhà hàng, hồ câu. Mỗi năm, anh xuất trên 20 tấn cá loại 2-3 kg/con.

Cũng đi vào sản xuất mặt hàng mang tính truyền thống ở làng quê của mình là chổi chít, anh Lê Văn Quảng (sinh năm 1984 ở thôn Lý Đỏ, xã Tân Việt, Bình Giang) tạo sự khác biệt với các hộ khác bằng các loại mẫu mã chổi mới lạ hơn. "Bây giờ, yêu cầu của thị trường cao hơn trước kia. Ngoài tính bền thì sản phẩm cần có tính thẩm mỹ cao nữa. Vì thế tôi phải học hỏi, tìm tòi tạo ra những mẫu mới vừa phải đẹp lại vừa dễ làm để công nhân có thể học được nhanh", anh Quảng phân tích. Hiện xưởng của anh Quảng sản xuất hơn 10 loại mẫu chổi khác nhau về hình thức, công dụng, giá bán. Với sự đa dạng, phong phú đó, xưởng thường xuyên xuất được những đơn hàng lớn, trở thành xưởng có quy mô lớn nhất thôn với thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

Không ngừng học hỏi

Để có gần 10 mẫu ao, trong đó phần lớn diện tích là đất ruộng chuyển đổi, anh Nguyễn Hữu Tùng phải liên tục học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm từ nhiều nơi. Anh Tùng cho biết: "Tôi không nuôi cá từ nhỏ đến lớn trong cùng một ao mà cho luân chuyển. Khi cá còn nhỏ đến khoảng 1 kg nuôi trong 1 ao, đến khi cá lớn từ 1 kg trở lên thì nuôi trong ao khác cho tới khi xuất". Việc luân chuyển ao cho cá là một sáng tạo của anh Tùng để dễ quản lý, chăm sóc cũng như xuất cá. Cùng với kinh nghiệm, kiến thức được tích luỹ theo thời gian, quy mô sản xuất của gia đình anh cũng phát triển từng bước vững chắc.

Đều xuất phát từ làm ăn nhỏ lẻ giống như anh Nguyễn Hữu Tùng, chị Trần Thị Huệ, anh Lê Văn Quảng đều có quá trình trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhất là khi quy mô phát triển lớn hơn. Họ phải tự trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, kiến thức về thị trường, marketing để tìm được những mối tiêu thụ hàng đáng tin cậy. Khi phát triển lên thành Công ty TNHH Thành Đô, chị Huệ phải tìm hiểu quy trình quản lý nhân công, quản lý sản xuất sao cho hiệu quả nhất. Còn anh Quảng vốn tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành sửa chữa ô tô và có thời gian đi làm tại khu công nghiệp nên anh học cách sử dụng máy móc nhanh chóng, thành thạo. Việc thiết kế mẫu chổi thì do anh tự học hỏi, tham khảo và suy nghĩ bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của người tiêu dùng.

Những thanh niên thế hệ 8X như anh Quảng, anh Tùng, chị Huệ lớn lên trong bối cảnh các trường đại học nở rộ, người người đi học đại học, nhà nhà mong cho con vào đại học. Nhưng họ đã sớm xác định được năng lực bản thân để có cách phát triển phù hợp chứ không chạy theo xu hướng chung. Quá trình lập nghiệp của họ là những ví dụ tiêu biểu cho việc đi đến thành công có thể bằng nhiều con đường khác nhau, chỉ cần nhìn nhận rõ khả năng bản thân cộng với tinh thần cần cù lao động và ham học hỏi, sáng tạo không ngừng.

VIỆT HÒA


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không qua đại học vẫn khởi nghiệp thành công