Con đường du học mở rộng nên mỗi du học sinh đều "ôm" những giấc mơ khác nhau. Nhiều người xác định sẽ học hành nghiêm túc để có nghề nghiệp sau này.


Một du học sinh Việt Nam bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì hành vi sàm sỡ
phụ nữ Nhật (ảnh chụp từ Facebook)


Nhưng với một số người, giấc mơ du học bị dang dở do sức hút kiếm tiền, tâm lý hưởng thụ...

Vỡ mộng

Ngày 21-6, trên trang facebook Jabai (Tokyo Baito) - trang chia sẻ thông tin, giới thiệu về văn hóa, đời sống và các vấn đề liên quan dành cho người Việt tại Nhật Bản - đăng tải một clip về hình ảnh một du học sinh Việt Nam bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì đã sàm sỡ một phụ nữ. Vụ việc này đang được điều tra vì trước đó cũng đã có 7 vụ tương tự. Du học sinh này được cho là người ở tỉnh Bắc Ninh. Khi liên lạc với một số du học sinh người Hải Dương đang học tại Nhật Bản, được biết những người vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của nhà trường, văn hóa, lối sống nước sở tại không phải là hiếm, trong đó có cả một số du học sinh Hải Dương.

Trong số hàng nghìn du học sinh do Công ty CP Kinh doanh Kiyokawa đã đưa đi học tại Nhật Bản, đáng tiếc đã có khoảng 20 học sinh phải về nước vì những vi phạm như: làm thêm quá số giờ quy định, không bảo đảm thời gian học trên lớp, không đủ điều kiện tốt nghiệp, vi phạm pháp luật, trộm cắp trong các siêu thị... Những vụ việc này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Thời gian gần đây, nhiều siêu thị, nhà trường ở Nhật Bản đã phải treo các biển thông báo bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật để cảnh báo về tình trạng du học sinh Việt Nam ăn trộm, lừa đảo...

Anh B.V.N. quê ở huyện Ninh Giang đã học tại Nhật Bản được gần 5 năm vào thời kỳ du học mới phát triển nên mức phí đắt đỏ lên tới gần 500 triệu đồng. Trước khi sang Nhật Bản, công ty dịch vụ du học hứa hẹn sẽ xin cho anh việc làm ngay với thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi sang Nhật Bản anh phải chờ rất lâu và phải mất thêm những khoản phí khác mới được đi làm thêm. Anh N. cho biết: “Công ty trong nước đưa mình sang đây bàn giao cho một công ty khác tại Nhật Bản và coi như họ hết trách nhiệm. Bên đây họ lại đưa ra nhiều khoản chi phí khác để tận thu. Trước khi đi, phía công ty trong nước đã thu cả tiền sách, tiền ký túc xá nhưng sang đây người ta vẫn thu tiếp. Ký túc xá tiêu chuẩn chỉ ở 1-2 người một phòng nhưng họ ghép 6-7 người. Sách học cũng chỉ là những tập A4 phô tô”. 5 năm sống và học tập tại Nhật Bản, anh N. đã gặp gỡ nhiều du học sinh mới sang có cuộc sống rất khó khăn. Anh kể: “Tôi thấy nhiều em tâm sự rằng bố mẹ gọi sang hỏi thăm sức khỏe rồi hỏi có tiền gửi về không. Ở đây, nếu học hành cẩn thận, đi làm thêm theo đúng quy định thì chỉ đủ tiền đóng học, chi tiêu chứ để thu hồi vốn thì rất khó". Đã có trường hợp vì chán nản bởi ngày nào cũng học rồi làm, làm rồi học nên bỏ về, chấp nhận mất khoản tiền đầu tư ban đầu. Theo quy định của Nhật Bản, du học sinh chỉ được phép làm thêm 4 giờ/ngày và không được phép làm quá 28 giờ/tuần. Vì cố gắng làm thêm giờ để kiếm tiền, có du học sinh bị cảnh sát sở tại bắt giữ, trong đó có trường hợp đã bị trục xuất. Đáng nói là có gia đình sau khi biết con em bị tạm giữ vì vi phạm pháp luật vẫn không hợp tác, không chịu gửi tiền mua vé máy bay cho con em về, thậm chí có gia đình "động viên" con cứ ở lại đi làm để kiếm tiền...

Do tiêu chuẩn đầu vào của nhiều trường nước ngoài không quá khắt khe nên không ít du học sinh có học lực trung bình, thậm chí nhiều học sinh nghịch phá, chơi bời cũng được các gia đình cho đi du học. Nguyễn Duy Th. là con một gia đình buôn bán khá giả ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) nên từ nhỏ chỉ quen ăn chơi. Tốt nghiệp THPT, Th. không có khả năng thi đỗ đại học nên gia đình quyết định cho Th. đi du học ở Úc với mức chi phí khoảng 600-700 triệu đồng/năm. Sau khi học tiếng, Th. sang Úc hơn 1 năm, nhưng không thể theo được chương trình học. Vốn lười lao động nên Th. cũng không đi làm thêm vì chê toàn công việc vất vả. Thấy con đường du học không hiệu quả, gia đình Th. đang tìm cách nhờ người nhà tìm hướng đi khác, có thể là định cư hoặc xoay sang học nghề... Trước mắt, Th. đang "hỗ trợ" bố mẹ bằng cách mua hàng hóa tại Úc gửi về cho mẹ bán. Mỗi tháng, gia đình vẫn phải gửi sang cho Th. khoảng 2.000- 3.000 USD để chi tiêu.

Do gia đình cũng có điều kiện nên ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Đào Thị H. (ở thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn) được bố mẹ cho sang Anh du học. Nhưng vì không đạt trình độ tiếng Anh đầu vào, H. mất thêm một năm để học chương trình dự bị trước khi chọn học chính thức đại học chuyên ngành quản lý kinh tế. Tuy nhiên, học chưa được bao lâu, H. vỡ mộng bởi những khó khăn gặp phải khi sinh sống, học tập như rào cản về ngôn ngữ, áp lực của việc học tập, thi cử thực chất, môi trường sống năng động...

Không thể quản lý

Ông Nguyễn Văn Thụy, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp -  Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) thông tin việc quản lý du học sinh sau khi đã sang nước ngoài rất khó. Hầu hết các trung tâm tư vấn du học hiện chỉ làm nhiệm vụ chiêu sinh, đào tạo ngoại ngữ, văn hóa, phong tục và kỹ năng cần thiết cho du học sinh và tổ chức bàn giao du học sinh cho các cơ sở giáo dục nước ngoài. Còn việc theo dõi, quản lý các du học sinh sau đó nằm ngoài khả năng của các trung tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có nhiều đổi mới trong việc quản lý du học sinh như xây dựng chế độ báo cáo của các trung tâm tư vấn định kỳ 2 lần/năm, trong đó báo cáo chi tiết số lượng du học sinh, thông tin, số điện thoại, địa chỉ gia đình, cơ sở giáo dục du học sinh theo học... Tuy nhiên, khi du học sinh đã được bàn giao cho các cơ sở giáo dục nước ngoài thì các trung tâm và sở cũng chỉ có thể dừng ở việc nắm bắt thông tin, không có bất cứ ràng buộc nào để giáo dục, quản lý du học sinh. Do đó, việc du học sinh có đi đúng hướng hay không phụ thuộc chính vào việc định hướng của gia đình và sự nỗ lực của mỗi du học sinh.

Theo một giám đốc công ty dịch vụ du học được cấp phép trên địa bàn tỉnh thì hiện có nhiều doanh nghiệp "sống"  bằng chính những khoản chi phí học ngoại ngữ, ăn ở của các học viên. Vì vậy họ thường đưa ra những thông tin hấp dẫn để thu hút nhiều người theo học. Còn công việc, học tập của các học viên có tốt không khi đã đi du học thì họ không mấy quan tâm hoặc không thể quan tâm.

THU MINH

(0) Bình luận
Không như mơ