Chính trị

Không nhất thiết phải sáp nhập trường khi sáp nhập xã

NHÓM PV 06/12/2023 19:20

Đó là một trong những nội dung được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm tại phiên thảo luận tổ chiều 6/12.

dsc_1674(1).jpg
Tại phiên thảo luận tổ, một số lãnh đạo sở đã giải trình các vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh băn khoăn. Trong ảnh: Đồng chí Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi một số vấn đề về phát triển nông nghiệp

Không sáp nhập trường có quy mô lớn, trường liên cấp

Một số đại biểu cho rằng, hiện nay không chỉ cán bộ, công chức cấp xã mà cán bộ, giáo viên của nhiều trường học cũng tâm tư, áp lực về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lương Văn Việt cho biết: "Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo là không sáp nhập các trường đã có quy mô lớn và không sáp nhập trường liên cấp. Thời gian tới, sở cũng sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục quản lý, giám sát chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm theo quy định".

Phản ánh bất cập trong sáp nhập đơn vị hành chính từ giai đoạn trước, đồng chí Vương Thị Huyền, Phó Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Giàng cho biết việc xây dựng thiết chế văn hóa của cơ sở đã được quan tâm nhưng chưa đồng bộ, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

"Việc xây dựng nhà văn hóa thôn, khu dân cư còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trang thiết bị, thiết chế trong các nhà văn hóa thôn, khu dân cư sau sáp nhập chưa được quan tâm đầu tư cho phù hợp theo mô hình mới và đáp ứng nhu cầu của nhân dân", đồng chí Vương Thị Huyền phản ánh và đề nghị tỉnh cần quan tâm chính sách đầu tư với các thiết chế văn hóa phục vụ người dân sau sáp nhập đơn vị hành chính.

Đánh giá khách quan nguyên nhân chưa đạt 2 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

dsc_1629(1).jpg
Ở tổ 1, đồng chí Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ninh Giang đánh giá 2 chỉ tiêu chưa đạt của tỉnh có kết quả thực hiện chênh lệch không lớn so với mục tiêu đề ra

Đa số các đại biểu đánh giá việc thực hiện 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng, mặc dù bối cảnh chung gặp nhiều khó khăn.

"Mổ xẻ" lý do không đạt 2 chỉ tiêu về tốc độ tăng GRDP và tỷ lệ lao động trong độ tuổi có bảo hiểm xã hội, nhiều đại biểu cho rằng cần đánh giá khách quan dựa trên bối cảnh những khó khăn chung trong thời gian qua.

Đồng chí Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Ninh Giang đánh giá 2 chỉ tiêu chưa đạt của tỉnh năm 2023 chênh lệch không lớn so với mục tiêu đề ra. “Trong khi đó, mục tiêu của tỉnh đề ra so với mức chung của toàn quốc là rất cao. Đặc biệt càng khó khăn giữa bối cảnh khó khăn chung của tình hình trong nước và thế giới”, đồng chí Trịnh Thị Thủy phân tích.

Cùng quan điểm đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã phân tích sâu chỉ tiêu không đạt về tỷ lệ lao động trong độ tuổi có bảo hiểm xã hội. Đại biểu lo lắng khó đạt được mục tiêu này trong cả nhiệm kỳ vì mục tiêu của tỉnh đặt ra khá cao so với toàn quốc.

“Nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi có bảo hiểm xã hội là một thách thức lớn. Mặc dù Hải Dương không đạt mục tiêu năm 2023 nhưng kết quả đạt được khá cao so với toàn quốc. Tôi đề nghị cần có giải pháp hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần ồ ạt như thời gian qua khi người lao động khó khăn. Điều này dẫn đến tình trạng hụt đi trong tỷ lệ lao động trong độ tuổi có bảo hiểm xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.

Vẫn nghẽn trong giải phóng mặt bằng

dsc_1644(1).jpg
Đại biểu Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện phát biểu thảo luận ở tổ 2

Bày tỏ phấn khởi khi thu ngân sách năm nay ít phụ thuộc vào thu tiền sử dụng đất, đại biểu Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện đề nghị tỉnh tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển. Đại biểu đề nghị quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

"Hải Dương cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và bằng những việc cụ thể. Ví dụ, tỉnh cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ hiến đất để làm đường giao thông", đại biểu Đồng Dũng Mạnh kiến nghị.

Nhiều đại biểu cho rằng thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện công trình trọng điểm cấp tỉnh, cấp huyện. Hiện nay, nhiều nơi còn khó khăn do giải phóng mặt bằng, nguồn vốn.

Đại biểu Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương phản ánh doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều người dân không đồng thuận. Cùng với đó, giá vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh có lúc cao hơn mặt bằng chung từ 30-40%.

z4948585023776_e65cd48e97deae39e0b6fdfb5aaf78a2(1).jpg
Đồng chí Trương Đức San, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn thảo luận ở tổ 4 về công tác giải phóng mặt bằng

Đồng chí Trương Đức San, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết việc đầu tư công gặp khó khăn do giải phóng mặt bằng và liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là nguồn gốc đất, quản lý chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên khi áp giá người dân chưa đồng tình. "Đề nghị HĐND tỉnh có tháo gỡ cho UBND bằng nghị quyết để tổ chức thực hiện", đồng chí Trương Đức San đề nghị.

Chiều 6/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XVII, các đại biểu thảo luận ở 4 tổ về các nội dung trình tại kỳ họp. Tại phiên thảo luận ở 4 tổ, 33 lượt đại biểu đã nêu ý kiến về nhiều nội dung.

NHÓM PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không nhất thiết phải sáp nhập trường khi sáp nhập xã