Ngày 1-7, cùng với thí sinh cả nước, gần 20.000 thí sinh toàn tỉnh sẽ chính thức bước vào Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Kết quả của kỳ thi hướng tới 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp và xét vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Càng gần tới ngày thi, các thí sinh càng dồn sức ôn tập với mong muốn đạt được kết quả tốt nhất, tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Có lẽ nhận thấy áp lực từ việc thi cử, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định không xếp hạng bằng tốt nghiệp mà chỉ cấp bằng chứng nhận đã tốt nghiệp. Quyết định của bộ là vậy song thực tế vẫn còn rất nhiều bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở chuyện thi cử, nhất là việc thi ĐH, CĐ với quan niệm rằng chỉ có vào đại học mới có tương lai.
Suy nghĩ ấy đã vô tình đã gây ra cho con cái họ những áp lực nặng nề về tâm lý, để rồi kết quả là nhiều em ngày, đêm lo học, quên ăn quên ngủ... ảnh hưởng đến sức khỏe. Đành rằng kết quả thi sẽ phần nào đánh giá được việc học của từng em; kết quả thi cũng là điều kiện để thí sinh xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ như đã đăng ký. Tuy nhiên không phải vì lẽ đó mà chúng ta biến việc thi cử thành nỗi ám ảnh, sợ hãi đối với con em mình. Các bậc cha mẹ cần hiểu mọi con đường đều dẫn đến thành công và việc học ĐH, CĐ không phải là sự lựa chọn duy nhất để tạo lập cuộc sống. Bởi vậy, các bậc phụ huynh không nên kỳ vọng quá nhiều mà gây áp lực quá lớn cho con cái mình. Cha mẹ hãy động viên các em luôn giữ tâm thế thoải mái, vững vàng và tự tin bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2016.
HOÀNG NẾT (Thanh Miện)