Nghe tin cháu ngoại mới 13 tháng tuổi phải nhập viện, bà Nga tất tả vào thăm. Cháu nó bị làm sao mà phải nằm viện?
- Mấy ngày trước, thấy cháu sốt con đã đưa ra phòng khám tư, bác sĩ ở đó chẩn đoán là sốt vi- rút nhưng đến sáng nay là ngày thứ 4 mà cháu không dứt sốt nên con đưa cháu vào viện khám lại. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ bảo khả năng cháu bị sởi và chỉ định nhập viện để theo dõi, điều trị - chị Hà, con gái bà Nga giải thích.
- Thế trước con có cho cháu đi tiêm phòng sởi không?
- Không ạ! Con chỉ cho cháu tiêm vắc-xin viêm gan B ngay sau sinh và tiêm một mũi phòng lao thôi. Bên nhà nội cháu thấy nhiều ca tai biến do tiêm vắc-xin nên nhất quyết không cho cháu đi tiêm nữa.
- Khi con tôi được 9 tháng tôi cũng cho tiêm vắc-xin phòng sởi nhưng sau mấy vụ trẻ tử vong do tiêm phòng nên tôi không cho cháu đi tiêm nhắc lại. Kết quả là con "dính" sởi, ốm hơn tuần nay rồi - Chị Nụ đang chăm con ở giường bên cạnh góp chuyện.
Nghe vậy, bà Nga lên tiếng:
- Các chị lo là có cơ sở nhưng theo tôi không nên cực đoan như vậy. Tôi đọc báo và xem ti-vi thấy bảo những ca tử vong là do tiêm vắc-xin viêm gan B và vắc-xin Quinvaxem, không phải vắc-xin phòng bệnh sởi. Vắc-xin sởi được tiêm riêng và vẫn được đánh giá có độ an toàn cao. Hiện nay, tiêm phòng vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
- Vậy à? Thế thì sau khi cháu khỏi bệnh, con sẽ cho cháu đi tiêm phòng theo đúng lịch để phòng bệnh.
- Bộ Y tế đã ban hành những quy định về quy trình khám sàng lọc tiêm phòng, bảo quản vắc-xin rất chặt chẽ. Trong các ngày tiêm chủng thường xuyên hằng tháng của tháng 3 và tháng 4 tới, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm vắc-xin phòng sởi cho các cháu từ 9-24 tháng tuổi đấy. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy các cháu bị sởi thì các cháu sẽ miễn dịch suốt đời với bệnh này. Nhưng nếu không phải thì các chị nhớ đưa các cháu đi tiêm nhé - cô bác sĩ nãy giờ có mặt trong phòng lên tiếng.
- Thế hả chị, nhất định em sẽ cho cháu đi tiêm - Chị Hà và chị Nụ đồng thanh nói.
HẢI ĐĂNG