Không nên bỏ hình phạt tử hình với các tội phạm nguy hiểm ảnh hưởng đến sự bình yên của xã hội, gây đau thương tang tóc cho loài người.
Bộ luật Hình sự sửa đổi thay thế cho Bộ luật Hình sự hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và để thực hiện Hiến pháp năm 2013. Bộ luật nhằm kịp thời điều chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật đang diễn ra trong xã hội, trong cơ chế thị trường, có nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, bảo đảm tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, bao gồm các pháp nhân là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và công ty đa quốc gia.
Hiện nay, không chỉ có cá nhân vi phạm pháp luật mà hành vi vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện cũng đang diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Đó là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, chây ì trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Những tác động tiêu cực này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân và gây mất an ninh trật tự trong xã hội.
Bộ luật Hình sự sửa đổi để điều chỉnh vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân chứ không như Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, con người cụ thể.
Tôi rất tán thành về nguyên tắc đối với pháp nhân phạm tội khi có đủ 3 điều kiện được quy định tại điều 75 của dự thảo: Hành vi phạm tội được nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân:
Khoản 2 điều này quy định: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Về quy định này không nói rõ cá nhân đó là người đứng đầu pháp nhân hay cả những người thực hiện theo sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Đề nghị dự thảo cần làm rõ quy định này. Theo tôi, cá nhân là người đứng đầu pháp nhân quyết định, chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự là rõ ràng. Còn những cá nhân thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật dưới sự chỉ đạo, điều hành, hoặc chấp thuận của pháp nhân mà phải chịu trách nhiệm hình sự có oan cho họ không? Nếu cá nhân đó không làm thì họ mắc tội không chấp hành chỉ đạo của pháp nhân, của người đứng đầu pháp nhân có thể họ bị kỷ luật, bị đình chỉ làm việc hoặc bị sa thải... Nếu cá nhân đó thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của pháp nhân hoặc người đứng đầu pháp nhân phải làm những việc dẫn đến pháp nhân phạm tội, cá nhân đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chưa thỏa đáng.
Dự thảo bỏ hình phạt tử hình với các tội danh là: Cướp tài sản, phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh, đầu hàng địch; phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh; tội vận chuyển, tàng trữ trái pháp luật hoặc chiếm đoạt chất ma túy.
Tôi nhất trí giảm hình phạt tử hình theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Tuy nhiên, không nên bỏ hình phạt tử hình với các tội phạm nguy hiểm ảnh hưởng đến sự bình yên của xã hội, gây đau thương tang tóc cho loài người. Do đó, tôi đồng tình bỏ hình phạt tử hình với tội: Chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch; không đồng tình bỏ hình phạt tử hình với các tội còn lại.
Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia như phá hủy cột mốc có chủ quyền của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hủy phương tiện vận tải hàng không, phá hoại hệ thống viễn thông phục vụ cho sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và của cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia, phá hủy công trình cầu, đường vành đai biên giới phục vụ cho phát triển kinh tế miền núi, hải đảo, của bộ đội biên phòng và nhân dân vùng biên giới tuần tra bảo vệ an ninh quốc gia. Về tội vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Ma túy đang là tệ nạn xã hội, nỗi lo của toàn xã hội phải dốc sức phòng chống. Ma túy đã làm cho bao nhiêu gia đình khuynh gia bại sản, bao nhiêu người chết vì cái chất trắng, làm cho bao gia đình cha mất con, vợ mất chồng, xóm làng hoang vắng. Với các tội phạm phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người, tội phạm chiến tranh đang được cả thế giới lên án mạnh mẽ. Cần kiên quyết bảo vệ sự bình yên của nhân loại, nhằm chấm dứt đau thương chết chóc cho hàng nghìn người trên thế giới. Vì vậy, những tội danh này theo tôi không thể bỏ hình phạt tử hình.
Đối với tội tham nhũng, tôi không nhất trí với ý kiến là không nên tử hình. Tội tham nhũng đang là quốc nạn, là giặc nội xâm. Kẻ tham nhũng đã làm cho kẻ thù lợi dụng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam, đã được hiến định tại điều 4 của Hiến pháp năm 2013, dẫn đến lật đổ chính quyền của nhân dân. Kẻ tham nhũng đã thật sự tha hóa biến chất, không còn là người công bộc của dân như Hồ Chủ tịch đã dạy. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và nhân dân, không chỉ làm mất tiền của Nhà nước mà còn làm đảo lộn trật tự ngay trong các cơ quan, đơn vị, làm mất lòng tin của dân với Đảng.
Dự thảo dự kiến bãi bỏ các tội danh theo Bộ luật Hình sự hiện hành gồm: tội hoạt động phỉ, tội tảo hôn, tội kinh doanh trái phép. Tôi tán thành ý kiến thứ 2 về tảo hôn, không nên bỏ 2 tội là hoạt động phỉ và tội kinh doanh trái phép. Theo tôi, những năm qua, tòa án không xét xử tội hoạt động phỉ là do cơ quan chức năng và nhân dân đã kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm này với cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia triệt phá khi chúng mới hình thành. Còn về tội kinh doanh trái phép của cá nhân, pháp nhân đã và đang vi phạm những hoạt động kinh doanh mà Nhà nước đã cấm như sản xuất, kinh doanh hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, lương thực, thực phẩm, vật nuôi và cây trồng hoặc đưa chất thải nguy hại vào lãnh thổ Việt Nam...
BÙI VĂN ĐIỀU (TP Hải Dương)