Mặc dù không lành lặn như các bạn cùng trang lứa nhưng chị Trần Thị Mơ (SN 1980, ở thôn Trung, xã Phúc Thành) vẫn nỗ lực vươn lên, hòa nhập cộng đồng...
Chị Mơ (trái) luôn tích cực tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ
Gặp chị Trần Thị Mơ (sinh năm 1980, ở thôn Trung, xã Phúc Thành), một cô gái có chiều cao chưa đầy 105 cm trong một buổi giao lưu người khuyết tật do huyện Kim Thành tổ chức, chúng tôi rất ấn tượng bởi câu chuyện chị chia sẻ với mọi người.
Khi vừa sinh ra, chị Mơ đã có cơ thể nhỏ bé, yếu ớt... Cha mẹ chị phải đưa chị đi khắp các bệnh viện từ tỉnh đến Trung ương để chữa trị, giành giật sự sống cho con. Những năm tháng đầu đời, chị Mơ ở viện nhiều hơn ở nhà. Mãi đến năm 3 tuổi, chị mới chập chững những bước đi đầu tiên. Nhưng đó cũng là những bước đi đầy nước mắt, bởi một bên chân liệt khiến chị đi lại rất khó khăn và đau đớn. Xương yếu ớt nên nếu không cẩn thận chị có thể bị gãy chân. Kiên trì mãi, cuối cùng chị cũng có thể đi lại quanh nhà.
Khi lớn lên, mỗi lần nhìn chúng bạn nô đùa trước cửa, chị Mơ lại lén chùi nước mắt, sợ cha mẹ nhìn thấy lại buồn vì thương con. Chị chia sẻ: “Ngày ấy, tôi rất muốn được đi học. Vì lo sức khỏe của tôi không theo được bạn bè nên cha mẹ nhất quyết không cho tôi đi học. Tôi phải thuyết phục mãi cha mẹ mới đồng ý. Ở lớp, kết quả học tập của tôi luôn ở tốp đầu nhưng cuối cùng tôi đã không thể theo học được, phần vì sức khỏe không tốt, phần vì các bạn thường nhìn tôi trêu chọc, giễu cười. Điều ấy khiến tôi tủi thân, đành phải nghỉ học. Đã có lúc tôi nản chí, muốn buông xuôi tất cả bởi thấy mình thật thiệt thòi”.
Năm 14 tuổi, khi những bạn bè cùng trang lứa đã dần trở thành người lớn thì chị vẫn như một đứa trẻ lớp 3. Đúng lúc này vì cuộc sống khó khăn, cha mẹ đã quyết định vào Nam lập nghiệp, gửi chị ở với bà nội. Thương bà tuổi ngày càng cao, hằng ngày lại phải cặm cụi bán hàng lo cho đứa cháu tật nguyền, chị quyết tâm học nghề may kiếm sống. Từ chiếc bàn đặt máy may đến chiếc ghế ngồi, chị đều phải nhờ người sửa lại để phù hợp với cơ thể nhỏ bé của mình, nhưng việc học vẫn hết sức khó khăn. Có những ngày cơ thể đau nhức ê ẩm nhưng chị vẫn cố gắng làm với mong ước có được một nghề để kiếm sống. 8 năm trời kiên trì, cuối cùng mong ước của chị đã phần nào thành hiện thực. Tay nghề đã khá thành thạo, chị mở được một cửa hàng sửa chữa quần áo. Thời gian đầu chưa quen việc, cửa hàng của chị vẫn vắng khách. Để lấy uy tín, chị Mơ đã nhận sửa hàng đến tận đêm khuya. Sự tận tình của cô chủ cửa hàng tật nguyền đã được lòng khách gần xa. Công việc của chị ngày càng thuận lợi, số tiền kiếm được đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Năm 2007, sau khi tích cóp được khoảng 7 triệu đồng, chị Mơ đã nhờ người lên TP Hà Nội tìm mua một chiếc xe ba bánh dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, tất cả mọi người trong gia đình đều phản đối việc mua xe vì sợ chị không thể điều khiển được do sức khỏe không tốt. Nhưng chị vẫn quyết bảo vệ ý kiến của mình. Chị tự nhủ, nếu không đi được ngay sẽ tập dần dần, dù khó mấy cũng phải vượt qua. Cuối cùng bằng những nỗ lực hết mình, chị đã có thể điều khiển được chiếc xe đi hàng chục km từ nhà đến các xã lân cận lấy hàng về bán hoặc lên TP Hải Dương thăm bạn bè, người thân.
Nhưng không chỉ có thế, chúng tôi còn hết sức ngỡ ngàng khi đến thăm thấy chị có căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như máy vi tính, ti-vi, tủ lạnh, máy giặt... Được biết, ngoài sự hỗ trợ của gia đình thì phần lớn số tiền xây dựng nhà cửa và mua sắm đồ dùng đều do chị tích lũy từ việc may vá và bán hàng tạp hóa thường ngày. Trước những lời khen ngợi của mọi người, chị Mơ bảo đấy là kết quả phấn đấu của bản thân. Cuộc sống không cho ta tất cả mọi thứ nhưng cũng đừng vì thiệt thòi của bản thân mà nản chí trên con đường chinh phục ước mơ.
PV