Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, chủ trương tạm dừng, không triển khai các KCN mới khi các KCN cũ chưa lấp đầy dự án hoặc đang triển khai dở dang.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn |
Ngày 17-2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT) ở Việt Nam, xây dựng định hướng phát triển lĩnh vực này trong giai đoạn tới.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành TƯ, UBND các tỉnh, thành, các doanh nghiệp (DN) phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh trong KCN, KCX, KKT. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Trọng điểm thu hút đầu tư
Từ năm 1991, các KCN, KCX bắt đầu hình thành với mục tiêu là các trung tâm sản xuất công nghiệp, dịch vụ có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trải qua 20 năm phát triển, hệ thống các KCN, KCX đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố, trở thành trọng điểm thu hút dự án đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, cả nước đã có 283 KCN với diện tích 76.000 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 46.000 ha. Tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khoảng 9 tỷ USD, đáng chú ý có 31 KCN do doanh nghiệp FDI làm chủ đầu tư, tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD. Hiện đã có 180 KCN đi vào hoạt động, thu hút khoảng 4.500 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 360.000 tỷ đồng, vốn thực hiện 180.000 tỷ đồng và 4.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 60 tỷ USD, vốn thực hiện gần 24 tỷ USD. Tỷ suất đầu tư các dự án lần lượt đạt 16 tỷ đồng và 2,55 triệu USD/ha.
Các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn |
Doanh thu các DN trong KCN những năm gần đây đạt 38-40 tỷ USD/năm, giá trị xuất khẩu 20-22 tỷ USD/năm, nhập khẩu 18-20 tỷ USD/năm, nộp ngân sách khoảng 22.000-24.000 tỷ đồng/năm, đóng góp trên 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong nước, 25% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động. Từ những kết quả đạt được của KCN, KCX, trong thời gian gần đây, nước ta đã thí điểm, xây dựng các KKT ven biển, KKT cửa khẩu để tận dụng những lợi thế về vị trí địa lý. Các KKT đã từng bước góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế hướng biển.
Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận đã tập trung đánh giá, nhìn nhận dưới nhiều góc độ về tình hình phát triển KCN, KCX, KKT thời gian qua, đóng góp một số giải pháp định hướng hoàn thiện mô hình quản lý các KCN, KCX, KKT trong thời gian tới. Đặc biệt, nhiều ý kiến đến từ các địa phương, các chủ đầu tư đã đưa ra những vấn đề thực tiễn, bài học kinh nghiệm cụ thể trong quá trình hình thành xây dựng và quản lý các KCN. Các ý kiến cũng đưa ra thực trạng và bài toán cần giải quyết cho một số vấn đề bức xúc, nổi cộm của các KCN, KCX, KKT hiện nay như xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, đảm bảo môi trường, cơ chế, chính sách quản lý về đất đai, phát triển hạ tầng đồng bộ đối với các KCN, KCX, KKT.
Thành lập các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận và đánh giá cao vai trò, những thành quả đạt được của mô hình KCN, KCX, KKT đem lại trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước, là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phó Thủ tướng khẳng định chủ trương của Chính phủ trong việc tiếp tục tạo điều kiện phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống các KCN, KCX, nhấn mạnh định hướng phát triển bền vững và theo chiều sâu trong thời gian tới.
Theo đó, đảm bảo hình thành, phát triển hệ thống các KCN nòng cốt có vai trò dẫn dắt phát triển các ngành công nghiệp quốc gia, bố trí hợp lý công nghiệp trên các vùng, phát huy tối đa hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm để tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao.
Tàu vào tiếp nhận hàng hóa tại bến cảng số 1 Khu kinh tế Dung Quất - ẢnhTTXVN |
Trong đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý một số vấn đề được coi là điểm yếu trong quản lý phát triển KCN hiện nay. Thứ nhất là sự phối hợp ở một số mặt chưa được tốt giữa Bộ, ngành và địa phương trong việc hoạch định chính sách, cải cách thủ tục, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cũng như phân bố, thu hút các dự án công nghiệp tại các KCN, KCX.
“Thứ hai, mục tiêu thu hút đầu tư chọn lọc, hiệu quả, nâng cao tỷ suất đầu tư từ mức trên 2 triệu USD/ha lên mức 40-100 triệu USD/ha, hàm lượng công nghệ cao hiện đang là chủ trương lớn nhưng triển khai có nhiều khó khăn. Các nhà quản lý cần thay đổi nhận thức rằng cơ sở hình thành, thu hút đầu tư vào KCN trong thời gian tới không chỉ gói gọn ở vấn đề ưu đãi thuế, đất đai,… mà phải là một quá trình các cơ quan quản lý, chính quyền sát cánh bên cạnh nhà đầu tư, DN kịp thời chia sẻ, gỡ vướng cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Không mở mới nếu chưa lấp đầy KCN cũ
Trong thời gian tới, với yêu cầu nghiêm ngặt về kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất lúa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ chủ trương tạm dừng, không triển khai các KCN, KCX mới mà các khu cũ chưa lấp đầy dự án hoặc đang triển khai dở dang.
Đây là chủ trương nhất quán để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả các KCN cũng như mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu lấp đầy dự án trên 70% diện tích các KCN, KCX hiện nay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng là cơ quan quản lý đầu mối hệ thống KCN, KCX, KKT trong cả nước, tiếp tục phân cấp mạnh mẽ, phát huy vai trò các Ban quản lý, đồng thời đẩy mạnh phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương để nghiên cứu thành lập một Ban chỉ đạo cấp trung ương để kịp thời xử lý những vướng mắc của KCN theo phản ánh các nhà đầu tư cũng như định hướng trong thu hút đầu tư.
Phó Thủ tướng cho biết sắp tới Chính phủ sẽ ban hành riêng một chỉ thị nhằm đánh giá, chấn chỉnh hoạt động các KCN, định hướng phát triển khu vực này trong thời gian tới.
Nguyên Linh (Chinhphu)