Hiện nguồn cung hàng hóa trên địa bàn Hải Dương dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh dồi dào, phong phú
Nguồn cung dồi dào
Trên địa bàn tỉnh hiện có 172 chợ các loại, 2 trung tâm thương mại và trên 30 điểm kinh doanh theo mô hình siêu thị tổng hợp, trên 22.000 cơ sở bán lẻ hàng hóa. Sự hình thành và phát triển của mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở kinh doanh nhóm hàng tạp phẩm, nhu yếu phẩm đã góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa, nhất là nhóm hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.
Mỗi ngày Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương ở TP Hải Dương cung cấp ra thị trường từ 25-30 tấn gạo. Công ty luôn bảo đảm khoảng 1.000 tấn gạo trong kho để luân chuyển. Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc công ty cho biết: "Thời điểm này, thị trường lương thực bình ổn, không xảy ra biến động. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, công ty vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường".
Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, quản lý siêu thị Hưng Thịnh ở thị trấn Nam Sách, với nhóm hàng thiết yếu trung bình mỗi tháng siêu thị bán được 50.000 thùng mì tôm, 52.000 lít dầu ăn, 15.000 kg mì chính, 3.000 lít nước mắm... Khi dịch bệnh bùng phát ở huyện Nam Sách, đơn vị đã tăng năng lực nhập và dự trữ hàng hóa lên từ 1,5-2 lần so với mức kinh doanh trong điều kiện bình thường. Giá các mặt hàng đều bình ổn, không có biến động.
Vừa qua, lãnh đạo Sở Công thương đã khảo sát tại một số chợ, nhà phân phối hàng hóa ở một số khu vực cách ly y tế thuộc các huyện Nam Sách, Gia Lộc và Ninh Giang. Qua kiểm tra cho thấy nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá các mặt hàng ổn định, không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu đã tăng năng lực dự trữ và cung ứng hàng hóa. Việc cung ứng hàng hóa được thực hiện thông suốt và bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch. Hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trong khu vực cách ly y tế bảo đảm theo nguyên tắc "4 tại chỗ".
Tính chung trên phạm vi toàn tỉnh, nguồn cung các nhóm hàng hóa thiết yếu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Nhiều nhóm, mặt hàng còn có thể cung ứng ra các địa phương khác. Trong một tháng, tỉnh Hải Dương có thể cung ứng cho các địa phương khác khoảng 10.000 tấn gạo, 2.600 tấn gia cầm, 3.000 tấn thịt lợn, 3.000 tấn cá nước ngọt, 20.000 tấn rau củ quả (đến vụ đông có thể sẽ tăng thêm bình quân 20.000-25.000 tấn/tháng), 6triệu quả trứng...
Mạng lưới chợ góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa, nhất là nhóm hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân
Bảo đảm cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ dịch
Chủ động trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Sở Công thương đã xây dựng phương án bảo đảm cung ứng một số hàng hóa thiết yếu ứng phó các tình huống dịch Covid-19 theo 3 cấp độ. Qua đó, dự báo nhu cầu tiêu dùng tại từng địa phương; kết nối với các đơn vị cung ứng chủ lực để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân theo các cấp độ của dịch. Rà soát số lượng các loại hàng hóa thiết yếu để sẵn sàng cung ứng cho các địa phương khác khi cần và hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tỉnh khi vào vụ thu hoạch rộ. Các doanh nghiệp, cơ sở thương mại chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu. Trường hợp cần thiết có thể tăng năng lực nhập và dự trữ hàng hóa lên gấp 2 - 3 lần so với mức kinh doanh trong điều kiện bình thường.
Sở Công thương điều động các đơn vị triển khai cung cấp hàng hóa cho các địa phương tùy theo từng cấp độ dịch. Phương án tối ưu sẽ lựa chọn các đơn vị phân phối đã có chân hàng trong khu vực và cung đường vận chuyển gần nhất để đưa hàng hóa qua các chốt kiểm dịch. Theo phương án này, trong tỉnh có 20 đơn vị cung cấp hàng hóa nông sản như gạo, rau củ quả; 78 đơn vị cung cấp thịt lợn, thịt gà, trứng; 103 đơn vị cung cấp thủy sản; 11 đơn vị cung cấp các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mì, cháo ăn liền, lương khô...), đường, sữa, gia vị, dầu ăn, nước mắm...
Bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết đơn vị đã tiến hành khảo sát nhiều chợ, cơ sở thương mại về khả năng lưu chứa, cung ứng hàng hóa, thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường để kịp thời tham mưu, triển khai các giải pháp điều tiết thị trường khi có bất thường. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng tăng giá trục lợi. Qua đó nhằm bảo đảm hàng hóa lưu thông trên thị trường luôn dồi dào, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không để người dân thiếu các mặt hàng thiết yếu. "Người dân không nên lo lắng, mua sắm ồ ạt, tích trữ hàng hóa khiến thị trường bất ổn và gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch Covid-19", bà Phượng khuyến cáo.
HUYỀN TRANG