Trong khi dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp, cần nâng cao cảnh giác hơn nữa trong công tác phòng chống cháy nổ, tránh gây thêm khó khăn, phức tạp, thiệt hại.
Vụ cháy đã hầu như thiêu rụi hoàn toàn nhà kho chứa hàng của gia đình anh Nguyễn Lương Cường ở thôn Đông, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện)
Nhiều nhà dân bị cháy
Theo tổng hợp chưa đầy đủ, trong tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay, tỉnh ta xảy ra gần 10 vụ cháy. Đáng chú ý, phần lớn vụ cháy xảy ra ở nhà dân, nhất là ở một số gia đình vừa kết hợp là chỗ ở và chỗ sản xuất, kinh doanh. Cao điểm, có ngày liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy ở các địa phương. Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), nhiều vụ cháy ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà dân thường xảy ra vào ban đêm. Đây là quãng thời gian rất dễ gây ra chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống cháy, nổ.
Cụ thể như tối 7.1, gia đình anh Bùi Văn Sỹ ở khu dân cư số 3, thị trấn Thanh Hà xảy ra cháy lớn. Vụ cháy đã khiến gia đình thiệt hại 1 chiếc xe máy, 1 chiếc xe đạp, nhiều linh kiện điện tử, đồ sửa chữa giá trị khoảng 300 triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do anh Sỹ sử dụng bếp khò đun nấu ngay cạnh khu vực để đồ sửa chữa điện tử.
Nhiều hộ sản xuất do thiếu hiểu biết về công tác phòng chống cháy, nổ, thiếu trang thiết bị phục vụ chữa cháy tại chỗ nên không kịp ngăn chặn. Chiều 31.1, cháy lớn đã thiêu rụi hầu như toàn bộ nhà kho của cửa hàng bán đồ kim khí, phụ kiện, đá mài của gia đình anh Nguyễn Lương Cường ở thôn Đông, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện). Theo một số người dân sống xung quanh, trước khi vụ cháy xảy ra, tại kho chứa hàng xuất hiện tiếng nổ lớn.
Không chỉ cháy ở nhà dân, do chưa làm tốt công tác phòng chống cháy, nổ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng bị thiệt hại nặng nề do "bà hỏa" gây ra. Đáng chú ý là vụ cháy xảy ra vào chiều 8.1, tại Công ty TNHH Thương mại Thạch Dương thuộc thôn Hà Liễu, xã Thanh Quang (Nam Sách). Ngọn lửa thiêu rụi gần như hoàn toàn nhà xưởng rộng 1.000 m2, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Theo tổng hợp của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, năm 2020 toàn tỉnh có 35 vụ cháy, nổ. Trong đó, cháy xảy ra chủ yếu vào ban đêm, ngoài giờ làm việc có 26 vụ, chiếm 74,2%; cơ sở hoạt động kho bãi, kinh doanh, sản xuất 15 vụ, chiếm 42,8%; nhà ở kết hợp làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ 6 vụ, chiếm 17,1%. Nguyên nhân các vụ cháy phần lớn là do sự cố hệ thống, thiết bị điện.
Chủ động phòng ngừa
Thời điểm trước Tết Nguyên đán thường tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao. Ngoài nguyên nhân do thời tiết hanh khô thì lý do quan trọng khác là giai đoạn này các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nhân dân diễn ra rất sôi động, nhu cầu sử dụng điện nước cũng tăng cao. Đây cũng là thời điểm cán bộ, nhân viên, người lao động có thời gian nghỉ làm việc dài ngày, công tác bảo vệ và PCCC ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên xảy ra sơ hở, thiếu sót, bất cẩn.
Để chủ động phòng ngừa cháy, nổ, Giám đốc Công an tỉnh vừa đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trưởng Công an các huyện, thị xã, thành phố quan tâm tổ chức tự kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại đơn vị, cơ sở, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, vi phạm, nguyên nhân có thể dẫn đến cháy, nổ để khắc phục. Khi kiểm tra cần chú ý các biện pháp bảo đảm an toàn trong quản lý, sử dụng điện, lửa trần, xăng dầu, khí đốt, các hóa chất, vật tư hàng hóa dễ cháy, nổ. Các địa phương, đơn vị củng cố, kiện toàn hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, kết hợp với tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, nắm vững tính năng, tác dụng, sử dụng thành thạo các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy đã được trang bị. Cần quy định, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của các thành viên, chuẩn bị phương án thoát nạn, cứu người, tài sản khi xảy ra sự cố cháy, nổ; tăng cường tuần tra, canh gác tại cơ sở, nhất là thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để chủ động phát hiện và dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh.
Thời gian qua, Công an các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chỉ đạo công an xã, phường, thị trấn tham mưu cho UBND cấp xã chỉ đạo thôn, khu dân cư, nhất là nơi có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy thành lập, vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng; xây dựng phương án chữa cháy, thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy bảo đảm sát với thực tế địa phương. Các cơ quan, đơn vị xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng cảnh sát PCCC, cứu hộ, cứu nạn, điện lực, cấp nước, y tế... để phục vụ công tác chữa cháy như giải quyết các tình huống cắt điện, cấp nước chữa cháy, cứu thương, giải tỏa ách tắc giao thông...
Trong khi dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp, công tác PCCC cần nâng cao cảnh giác hơn nữa, tránh gây thêm khó khăn, phức tạp, vất vả cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ, giảm thiệt hại, ảnh hưởng đến nhân dân.
DANH TRUNG