Không lơ là phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn

19/05/2017 17:56

Ðến hết tháng 4 vừa qua, tổng đàn lợn trong tỉnh ước đạt hơn 609.000 con, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.


Trong đó, đàn lợn nái ước đạt hơn 79.900 con (tăng 4,4%), lợn thịt gần 528.600 con (tăng 2,9%), còn lại là lợn con; sản lượng thịt hơi đạt 34.147 tấn. Hải Dương đứng thứ tư khu vực đồng bằng sông Hồng về đàn lợn.

Từ cuối năm ngoái đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm khiến người chăn nuôi lao đao, nhiều hộ đứng trước nguy cơ phá sản. Hiện nay, giá thịt lợn hơi chỉ còn từ 25.000 - 26.000 đồng/kg, nhiều nơi bán giá thấp hơn. Với giá bán này, người chăn nuôi lỗ khoảng 1,5 triệu đồng 1 con lợn nặng 1 tạ.

Do thua lỗ nên nhiều hộ chăn nuôi đã cắt giảm một số loại thuốc thú y, không tiêm vaccine phòng bệnh cho lợn con. Một số hộ chỉ sử dụng các loại vaccine rẻ tiền, chất lượng kém. Ðàn lợn thịt cũng bị người chăn nuôi lơ là, không được tiêm phòng đầy đủ. Ðây là nguyên nhân có thể khiến các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn như tai xanh, lở mồm, long móng, dịch tả... bùng phát, tiếp tục gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Năm 2009, dịch tai xanh trên đàn lợn đã xuất hiện tại 65 xã, thị trấn thuộc địa bàn 9 huyện, thị xã của Hải Dương. Ngoài các nguyên nhân khách quan thì sự chủ quan trong phòng dịch của người chăn nuôi đã dẫn đến dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ hơn. Khi đó, toàn tỉnh có 9.890 con lợn bị bệnh tai xanh, 2.265 con được điều trị khỏi, hơn 7.000 con buộc phải tiêu hủy, ước tính thiệt hại 20 tỷ đồng.

Theo các nhà chuyên môn, cách duy nhất để phòng bệnh hiệu quả cho lợn là phải tiêm phòng các loại bệnh thường gặp vào độ tuổi phù hợp. Lợn sơ sinh phải được tiêm phòng từ khi 2-3 ngày tuổi đến 100 ngày tuổi. Lợn con phải được tiêm phòng các loại bệnh thường gặp như vi khuẩn E.coli, bệnh hen suyễn, bệnh tai xanh... và các mũi tiêm nhắc lại để phòng bệnh hiệu quả.

Ðể người chăn nuôi không lơ là phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân thường xuyên kiểm dịch động vật, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ động vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố cử cán bộ xuống các cơ sở chăn nuôi để nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại, điều trị và phòng chống một số loại bệnh thông thường ở lợn. Ngoài vaccine tả, tụ huyết trùng, tụ dấu, tỉnh cần hỗ trợ người nuôi lợn vaccine phòng bệnh tai xanh và lở mồm, long móng tiêm phòng trên toàn bộ đàn lợn nái, vì đây là 2 dịch bệnh nguy hiểm, dễ bùng phát gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

KHÁNH HÒA (Nam Sách)


(0) Bình luận
Không lơ là phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn