Từ thực trạng những cán bộ ngành y tế bị vướng vòng lao lý, đại biểu đặt câu hỏi phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp đã dẫn tới sai phạm quản lý cán bộ bệnh viện công thời gian qua.
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch sáng 8.11, đại biểu đoàn Bình Định Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chỉ ra thực tế "rất đáng lo ngại" thời gian qua khi nhiều bác sĩ vướng vào vòng lao lý.
Theo đại biểu, suốt 2 năm qua trong phòng chống dịch, hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế không quản ngại hy sinh gian khổ để ra tuyến đầu, chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho người dân, tham gia vào công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ đáng tiếc khi có không ít cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù "không có ý bào chữa cho ai và mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh".
"Không còn gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người là tinh hoa của đất nước. Trong một xã hội mà nhiều người đang được coi là lực lượng chủ lực, những người được xã hội nể trọng, danh xưng cao quý là người thầy, thì đây là hiện tượng rất đáng lo ngại", ông Long nêu quan điểm.
Đại biểu Long cho rằng đã đến lúc cần phải nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng hạn chế yếu kém trong quản lý điều hành ngành y tế hiện nay. Bởi qua các vụ án, các cán bộ y tế bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ liên quan đến quản lý chức vụ mà còn là các vi phạm về kinh tế, như vi phạm đấu thầu và kế toán.
"Có lẽ khi thông qua Bộ luật Hình sự 2015, các nhà làm luật không hình dung được tội phạm kinh tế có sự chuyển hóa như vậy. Chủ thể vi phạm kinh tế không chỉ là những người hoạt động kinh doanh mà cán bộ quản lý trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Vậy những vi phạm của bác sĩ trong quản lý điều hành hệ thống bệnh viện công lập có nguyên nhân từ bất cập pháp luật trong quản lý điều hành của ngành y tế hay không?", ông Long đặt câu hỏi.
Theo ông, ngành y là nghề đặc biệt, bác sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu, nên khi bác sĩ được cân nhắc làm lãnh đạo quản lý bệnh viện phải hội tụ nhiều yếu tố, phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo và đặc biệt là năng lực chuyên môn.
Tuy nhiên, với những nhà quản lý, điều hành bệnh viện công hiện nay, ngoài việc chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn trong việc chẩn đoán, điều trị, giám đốc bệnh viện cũng phải điều hành toàn bộ việc khác, tức phải chịu trách nhiệm điều hành nhiều việc khác từ cơ sở vật chất, đội ngũ, mua sắm sinh phẩm, thiết bị y tế, đấu thầu.
"Với mục tiêu nhiệm vụ đặt ra đó, chỉ những bác sĩ có kỹ năng và trình độ đặc biệt mới toàn vẹn được mọi nhiệm vụ", ông Long cho rằng đây là sự khác biệt khi ở các nước, bác sĩ có thể có quyền đưa ra yêu cầu về thuốc, trang thiết bị y tế để hoàn thành khám chữa bệnh, còn việc cung ứng mua sắm đấu thầu do bộ phận chuyên trách thực hiện.
Từ thực tiễn đó, đại biểu Long đặt câu hỏi phải chăng do cơ chế quản lý chưa phù hợp, thiếu việc quy trách nhiệm rõ ràng, tổ chức cho các bộ phận chuyên môn khác nhau thực hiện nhiệm vụ đã dẫn tới sai phạm quản lý cán bộ bệnh viện công thời gian qua.
Theo đó, đại biểu đề nghị cùng với việc xử lý nghiêm sai phạm cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý điều hành lĩnh vực y tế, nhất là hoàn thành quy định bệnh viện công, ngăn ngừa hiệu quả hành vi vi phạm, để không thấy cảnh bác sĩ sẽ phải vướng vào vòng lao lý.
Trước đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ "rất đau lòng" bởi ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực, nhưng với ngành y tế, mục đích là phục vụ người bệnh. Do đó, cần tạo điều kiện cho nhân viên y tế, các cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường phát triển y đức, tránh khi xảy ra chuyện là sử dụng các biện pháp hành chính, hình sự.
Theo Tuổi trẻ