Chiều 11.7, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Trần Thị Mai (Bình Giang). Ảnh: Thành Chung
Phải coi sức khỏe của người bệnh là hàng đầu
Đại biểu Trần Thị Mai (Bình Giang) cho biết để tránh thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), năm 2018 Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh thông qua UBND tỉnh giao quỹ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh giảm 10% so với mức năm 2017.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện phát sinh một số bất cập. Những cơ sở khám chữa bệnh tốt, được người bệnh tìm đến thì bị hạn chế quỹ BHYT, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Ngược lại, những cơ sở ít bệnh nhân đến khám thì không sử dụng hết quỹ BHYT, số dư này sẽ được BHXH thu lại. Ngoài ra, theo BHXH tỉnh, năm 2017 không phát hiện các cơ sở y tế lạm chi. Do đó, năm 2018 lại giao quỹ BHYT giảm 10%, dẫn đến khó khăn cho các cơ sở y tế trong khám chữa bệnh.
Ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế. Ảnh: Thành Chung
Trả lời ý kiến của cử tri có hay không tình trạng bệnh nhân bệnh nặng có nguyện vọng chuyển lên tuyến trên nhưng bệnh viện tuyến dưới không chuyển, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết có tình trạng đó. Tuy nhiên, những bệnh nhân mà bệnh viện muốn giữ lại bệnh viện tuyến đó hoàn toàn chữa trị được. Theo ông Cường, có một số bệnh nhân khá giả có tâm lý cứ ốm là xin chuyển lên tuyến trên.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Mai (Bình Giang), ông Phạm Mạnh Cường cho biết việc tính toán giao trần quỹ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh đã được tính toán kỹ lưỡng, dựa trên kết quả của các năm có sự giám sát chặt chẽ của các ngành liên quan để tránh việc lạm dụng quỹ BHYT. Các cơ sở y tế chi vượt số quỹ giao mà chứng minh được sự minh bạch, các ngành liên quan sẽ báo cáo UBND tỉnh bổ sung.
Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế không được phép giữ lại những bệnh nhân mà nơi đó không có khả năng chữa trị. Khi giữ lại phải giải thích rõ ràng cho bệnh nhân hiểu trên cơ sở khoa học. Các cơ sở y tế phải coi sức khỏe của người bệnh là hàng đầu.
Tổ chức, sắp xếp lại trong lĩnh vực giáo dục
Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu có ý kiến thuộc lĩnh vực giáo dục. Ảnh: Thành Chung
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu có ý kiến thuộc lĩnh vực giáo dục được giao phụ trách, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết năm học vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo có bước phát triển, chất lượng được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của tỉnh đạt 66%, trong đó, cấp tiểu học đạt 91%. Hải Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao nhất toàn quốc. Chất lượng học sinh giỏi có bước khởi sắc. Toàn tỉnh có 2 học sinh đoạt giải quốc gia, 1 học sinh dự thi Olympic sinh học quốc tế.
Đối với ngành giáo dục trong thời gian tới phải thực hiện 3 nhiệm vụ lớn.
Thứ nhất, sắp xếp lại số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục theo hướng tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng ngoài định mức biên chế được giao. Ngoài ra, việc tổ chức sắp xếp lại sẽ còn để phát huy cao nhất năng lực của đội ngũ giáo viên, hạn chế tối đa việc dạy chéo ban, chéo môn.
Thứ hai, sắp xếp tổ chức lại cơ sở giáo dục theo Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh theo lộ trình từ nay đến năm 2021 giảm 10% số cơ sở giáo dục, tương đương với việc giảm 87 trường.
Thứ 3, rà soát lại cơ sở vật chất để chuẩn bị cho năm học mới. Các huyện, thị xã, thành phố rà soát báo cáo UBND tỉnh những phòng học tạm, học nhờ, công trình vệ sinh xuống cấp để có biện pháp giải quyết.
Ông Lương Văn Cầu nhấn mạnh, việc thu gọn đầu mối không chỉ thực là hiện Nghị quyết của trung ương và kế hoạch của tỉnh mà sẽ khắc phục được tình trạng những trường có quá ít lớp, có những môn một giáo viên dạy chưa hết số tiết giao, tình trạng giáo viên văn dạy sử... Việc sắp xếp phải lấy học sinh làm trung tâm.
Trong kế hoạch của Tỉnh ủy nêu rõ: mỗi xã chỉ có 1 trường mầm non; 1 huyện có 2 trường THPT, nơi đặc biệt có 3 trường. Do đó, những xã có 2 trường cùng cấp quy mô không quá lớn sẽ dồn lại. Với những xã nhỏ sẽ liên trường tiểu học với THCS trở thành trường liên cấp trong xã hoặc liên với trường cùng cấp xã bên cạnh.
Đối với cấp THPT sẽ sáp nhập phù hợp theo mô hình trường này là phân hiệu của trường kia. Nếu vị trí địa lý quá xa sẽ sáp nhập với trường THCS cùng xã, trở lại mô hình trường cấp 2-3. Một số nơi có điều kiện kinh tế phát triển có thể chuyển sang mô hình trường THPT tư thục... Đối với việc sắp xếp bộ máy trong từng trường, trước hết bố trí hợp lý công việc đối với những giáo viên trong biên chế. Đối tượng tinh giản trước tiên là nhân viên hợp đồng...
PV