Hầu hết các vết côn trùng cắn đều vô hại, trừ khi bạn nhận thấy những triệu chứng bất thường dưới đây.
Muỗi: Bản thân vết muỗi cắn không phải là vấn đề lớn, nhưng muỗi lại có thể là trung gian lây truyền một số căn bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, hay bệnh Zika. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, sưng hạch bạch huyết, nổi mẩn đỏ sau khi bị muỗi đốt, hãy đến cơ sở y tế để được điều trị ngay.
Kiến lửa: Những vết cắn do kiến lửa để lại có thể gây các cụm sưng đỏ, đau nhói trên da. Những vết cắn từ các côn trùng không độc như kiến lửa vẫn có thể gây ra các phản ứng độc như đau đầu, yếu cơ, choáng váng, mơ màng, sốt, tiêu chảy, chuột rút cơ, ngất xỉu hoặc co giật. Các triệu chứng này đòi hỏi người bị cắn phải được cấp cứu ngay.
Nhện nâu ẩn dật: Như tên gọi của chúng, loài nhện này thường ẩn náu khỏi thế giới và không tấn công trừ khi chúng cảm thấy bị đe dọa. Vết cắn của loài nhện này thường không đau cho đến vài giờ sau khi bị cắn. Lúc này, ở vùng bị cắn xuất hiện một chấm đỏ, sau đó phồng rộp lên và chuyển màu tím xanh. Ở ca nặng hơn, nước tiểu nạn nhân sẽ chuyển màu đục, nạn nhân bị sốt, ớn lạnh hoặc co giật.
Bọ chét: Vết cắn của bọ chét, hay ve, thường không nguy hiểm, nhưng chúng có thể gây nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng do ký sinh trùng gây ra. Bạn càng phát hiện ra vết cắn sớm, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ bọ chét càng giảm. Nếu bạn xuất hiện mẩn đỏ, hoặc bị sốt, đau cơ, đau đầu, buồn nôn hay đau bụng sau khi bị bọ chét cắn, hãy đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Ong: Đối với hầu hết mọi người, vết ong đốt chỉ hơi nhói. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải các triệu chứng như khó thở, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa ngáy, phát ban lan rộng, sưng mặt hoặc lưỡi, họng, hãy đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Nhện góa phụ đen: Loài nhện độc này có vết cắn hình đồng hồ cát đặc trưng và có thể gây tổn thương nghiêm trọng. Khi bị nhện góa phụ đen cắn, nạn nhân cần được đi cấp cứu ngay. Vết cắn do loài nhện này để lại có thể làm huyết áp tăng vọt không kiểm soát, chuột rút cơ, động kinh hay co giật cơ mặt.
Bọ cạp: Vết bọ cạp cắn thường gây ra cơn sưng đau và đỏ tấy cục bộ. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng bất thường ngoài các triệu chứng trên, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức. Trẻ em và người già đặc biệt dễ bị tổn thương bởi vết bọ cạp cắn.
Sâu bướm mặt mèo: Những con sâu bướm đầy lông này trông có vẻ dễ thương và bắt mắt, nhưng những sợi “lông” của chúng thực chất là những cái gai đầy độc tố. Để sơ cứu khi bị dính gai độc của sâu bướm mặt mèo, hãy dùng băng dính dán lên vùng da tổn thương rồi lột ra, lặp đi lặp lại thao tác này để loại bỏ gai độc, sau đó rửa sạch vùng da tổn thương với nước và xà phòng, rồi chườm đá để giảm đau.
Theo VOV