Góc nhìn

Không để thiếu phòng học kéo dài

HẠO NHIÊN 11/09/2023 06:35

Khắc phục tình trạng thiếu phòng học là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo ở Hải Dương.

W_z4673954835378_96701a55586a12bc9fe1e8d5e3237110.jpg
Công trình nhà 4 tầng 24 phòng học của Trường THCS Quyết Thắng (TP Hải Dương) vừa được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024. Ảnh: Thế Anh

Những năm gần đây, mỗi khi bước vào năm học mới, các địa phương trong tỉnh Hải Dương thường xuyên phải đối diện với việc thiếu phòng học. Hải Dương đã và đang thực hiện Đề án xây dựng, bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 nhưng kết quả chưa như kỳ vọng.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, đối với giáo dục mầm non và tiểu học, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng, đạt tỷ lệ xấp xỉ 1 phòng/lớp. Đối với cấp THCS, các địa phương đạt 0,8-1 phòng/lớp (theo quy định tối thiểu 0,6). Tuy nhiên, trong tỉnh còn 3 đơn vị tỷ lệ phòng/lớp ở cấp THCS còn thấp là: Kinh Môn 0,56; Kim Thành 0,55; Ninh Giang 0,54 phòng/lớp. Năm học 2023-2024, trong tỉnh Hải Dương, ở 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS còn 180 phòng học bán kiên cố, 135 phòng học tạm, 282 phòng học nhờ, mượn, thuê và 404 phòng học đang xây dựng.

Hải Dương đã là tỉnh nông thôn mới nên không thể để thiếu phòng học kéo dài. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, giáo dục của các trường. Đặc biệt, việc thiếu phòng học tập trung ở các cấp mầm non, tiểu học, không đáp ứng điều kiện sinh hoạt, học tập của trẻ em càng ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, dạy trẻ.

Thực tế ở một số nơi, việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, cơ sở giáo dục công lập chưa thực sự được đặt lên hàng đầu. Trong xây dựng nông thôn mới, việc nợ tiêu chí cơ sở vật chất trường học không phải là cá biệt. Nhiều nơi chỉ khởi công, làm móng các phòng học rồi phải dừng lại vì thiếu vốn. Có địa phương, trụ sở xã thuộc diện đẹp nhất huyện nhưng cơ sở vật chất trường học lại khó khăn, thiếu thốn nhất tỉnh.

Cần nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo nhưng có lẽ cấp thiết nhất chính là bảo đảm cơ sở vật chất, sớm chấm dứt và không để lặp lại tình trạng thiếu phòng học khiến học sinh phải học ở các phòng tạm, phòng mượn, phòng thuê.

Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, Hải Dương đặt mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh đầu tư xây dựng 265 phòng học kiên cố, đạt chuẩn nhằm bảo đảm đủ phòng học đáp ứng quy mô năm học 2025 - 2026 cho phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non, THCS có tổng số phòng học tạm, phòng học mượn và phòng học thiếu từ 3 phòng trở lên. Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện mục tiêu trên là gần 192 tỷ đồng.

Với khả năng ngân sách của tỉnh, kinh phí để thực hiện mục tiêu trên không quá lớn. Điều quan trọng là các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị cần thực sự quan tâm, ưu tiên tối đa, đẩy nhanh tốc độ để hoàn thành mục tiêu trên.

Trong lễ khai giảng năm học 2023-2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục - đào tạo. Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu tham mưu xây dựng một số cơ chế, chính sách cho giáo dục - đào tạo.

Những chủ trương, chính sách, cơ chế sớm đi vào thực tế sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục-đào tạo của tỉnh, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, góp phần tạo dựng tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với giáo viên, học sinh trong tỉnh. Tiến độ, kết quả thực hiện mục tiêu xóa bỏ tình trạng thiếu phòng học chính là thước đo rõ ràng nhất đánh giá sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương đối với sự nghiệp "trồng người" của Hải Dương.

HẠO NHIÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để thiếu phòng học kéo dài