Không để phát sinh điểm nóng và kịp thời xử lý các tình huống

13/01/2020 17:04

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

"Không để phát sinh điểm nóng và kịp thời xử lý các tình huống khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp phát sinh" - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2020 diễn ra ngày 13.1 tại Hà Nội.

Đã chấn chỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết năm 2019, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa, phát huy tốt những kết quả, thành tích đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống".

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn.

Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Kết quả trên tạo đà và động lực mới để tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020. Trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành thanh tra và Thanh tra Chính phủ.

"Bằng sự đoàn kết, nhất trí, không ngừng phấn đấu vươn lên, năm 2019, toàn ngành thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho, các mặt công tác đều có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - Phó Thủ tướng ghi nhận.

Theo Phó Thủ tướng, năm qua, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trên từng lĩnh vực công tác; tập trung hoàn thiện, ban hành kết luận, nhất là các cuộc mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Việc công khai kết luận thanh tra được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Chất lượng các kết luận thanh tra ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển thực hiện khá nghiêm túc.

So với năm 2018, số đoàn đông người, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã thuyên giảm. Nhiều địa phương không phát sinh mới các vụ việc phức tạp, đông người; tỉ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo cao hơn năm trước. Ngành thanh tra đã thực hiện tốt vai trò tham mưu thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế.

"Tôi rất hiểu các đồng chí chịu áp lực rất lớn khi tiến hành các vụ việc phức tạp (vụ AVG, Gang thép Thái Nguyên, cảng Quy nhơn, bán đảo Sơn Trà, Thủ Thiêm...). Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, các đồng chí đã rất nỗ lực, có nhiều cố gắng để kết luận thanh tra hoàn thành theo kế hoạch và bảo đảm khách quan, chính xác" - Phó Thủ tướng ghi nhận.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nêu rõ công tác của ngành năm 2019 vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Một số đơn vị xây dựng kế hoạch chưa sát với tình hình thực tế. Chất lượng một số kết luận thanh tra còn hạn chế, vẫn còn một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra. Chất lượng các kết luận thanh tra đã có tiến bộ nhưng một số cuộc chất lượng chưa cao, kiến nghị xử lý chưa phù hợp, không chặt chẽ, không khả thi.  

Phó Thủ tướng lưu ý: "Trong hoạt động thanh tra, một số cán bộ thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành thanh tra và Thanh tra Chính phủ, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành". Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn nhiều sai sót. Kết quả triển khai thực hiện Luật Tố cáo năm 2018 chưa đồng đều, nhất là một số nội dung mới.

Cũng theo Phó Thủ tướng, tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, thậm chí ngay trong chính ngành thanh tra, gây dư luận và bất bình trong quần chúng, nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp.

Không để phát sinh điểm nóng

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và xây dựng ngành; kịp thời giải quyết các kiến nghị, tham mưu đề xuất của cơ quan thanh tra.

Đồng thời, triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương. Không để phát sinh điểm nóng và kịp thời xử lý các tình huống khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp phát sinh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh và giao Thanh tra Chính phủ giữ vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cho Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Năm 2020 là năm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành thanh tra. Vì vậy, toàn ngành cần phải chủ động, tích cực và nỗ lực hơn nữa trong tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành , đạt được những tiến bộ vượt bậc, xứng đáng niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp thanh tra và trong xây dựng ngành, nâng ngành lên ngang tầm nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn.

Ngành thanh tra cần bám sát kế hoạch thanh tra; đồng thời tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, tích cực đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Ngành thanh tra tiếp tục đưa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào sử dụng tới các cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ việc và các đối tượng khác.

Bên cạnh đó là xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn nhưng hoạt động hiệu quả, đồng thời tăng cường phối hợp trong hệ thống thanh tra, bảo đảm thông suốt; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ ngành thanh tra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, rèn luyện kỹ năng tổ chức, quản lý, đào tạo cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Không để phát sinh điểm nóng và kịp thời xử lý các tình huống