<b> Doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng bảo đảm an toàn trong sản xuất là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. </b><br>
Từ trung tuần tháng 7 đến nay, trong tỉnh có 6 người chết do tai nạn khi đang làm việc tại công trường, nơi sản xuất. Đó là các vụ tai nạn xảy ra tại công trình thi công trụ sở Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, công trường xây dựng nhà ở xã hội tại khu dân cư phía đông Ngô Quyền (TP Hải Dương); Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Hải Phòng - chi nhánh Hải Dương (xã Hiệp Sơn, Kinh Môn); Công ty TNHH Nhôm Đông Á (cụm công nghiệp Tân Dân, Chí Linh); Công ty TNHH May mặc Makalot 2 (Thanh Hà) và mỏ đá Áng Bát (thị trấn Minh Tân, Kinh Môn).
Những cái chết do tai nạn lao động (TNLĐ) đều rất thương tâm. Nạn nhân của các vụ tai nạn này phần lớn đang trong độ tuổi lao động, là trụ cột trong gia đình. Họ không chỉ đi làm để nuôi bản thân mà có thể còn gánh trên vai cả trách nhiệm đối với cha mẹ già, con nhỏ. Vì vậy, khi tai nạn xảy ra để lại rất nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Làm thế nào để ít xảy ra tai nạn và không xảy ra những vụ TNLĐ nghiêm trọng là điều đáng bàn. Theo một báo cáo của Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh, nguyên nhân của các vụ TNLĐ tập trung ở cả 2 phía: chủ sử dụng lao động và người lao động.
Khi đầu tư sản xuất, kinh doanh, một số chủ sử dụng lao động không có quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động, sử dụng thiết bị không bảo đảm an toàn, vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm an toàn lao động.
Về phía người lao động cũng có tư tưởng chủ quan, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, vi phạm quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn... Điển hình nhất về vi phạm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là ở vụ sập lò vôi tại thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) vào năm 2016 làm 5 người chết.
Thời gian qua, các cấp chính quyền đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động nhằm hạn chế tối đa TNLĐ. Những năm trước chúng ta tổ chức Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động vào tuần thứ 3 của tháng 3 hằng năm. Từ năm 2017 trở đi, Chính phủ đã quyết định lấy tháng 5 hằng năm là Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Điều này cho thấy công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng hơn. Ngành lao động, thương binh và xã hội, các cấp công đoàn ở tỉnh ta đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động chủ sử dụng lao động và người lao động chú ý bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Rất tiếc, kết quả không như mong đợi khi mà các vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra như đã nói ở trên.
Thiết nghĩ, dù đã triển khai rất nhiều hoạt động nhưng vẫn phải tăng cường hơn nữa những việc làm cụ thể bảo đảm an toàn trong lao động, sản xuất. Ngoài việc tuyên truyền, vận động, cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu thấy doanh nghiệp vi phạm trầm trọng có thể đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những đơn vị vi phạm, bị xử lý phải được thông báo công khai, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng bảo đảm an toàn trong sản xuất là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Cần quan tâm đầu tư, trang bị đầy đủ thiết bị bảo đảm an toàn cho người lao động. Người lao động không chủ quan, lơ là, phải bảo đảm an toàn khi làm việc.
NGỌC THANH(TP Hải Dương)