Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng đã nêu vấn đề này tại phiên thảo luận về dự án Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi) sáng 11-11.
Ông Phan Xuân Dũng - Ảnh: Quốc hội |
Là người đứng đầu cơ quan thẩm tra dự án luật này, ông Phan Xuân Dũng nói mục tiêu lớn nhất của luật là phải làm sao để Bộ Khoa học và Công nghệ và những người quản lý khoa học, công nghệ can thiệp được vào quá trình tiếp nhận công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ nước ngoài vào. Trong các dự án hiện nay, việc cơ quan quản lý nhà nước tiếp cận với công nghệ của nhà đầu tư là rất khó.
Ông Phan Xuân Dũng nói: “Ví dụ như Formosa khi vào Việt Nam họ nói họ là tập đoàn giàu có, là tập đoàn công nghệ cao nhưng khi ta không chặt chẽ, kiểm tra không kỹ thì có thể họ lách ngay, đưa công nghệ không phù hợp vào. Điển hình nhất là chỗ luyện cốc khô sang luyện cốc ướt. Hoặc ngay việc xử lý nước trước lúc đưa ra khỏi khu vực nhà máy là phải có hồ điều hòa”.
Xa hơn là dự án bôxit Tây Nguyên, ông Phan Xuân Dũng cũng nói nhà đầu tư hứa sẽ đưa công nghệ cao vào nhưng cũng không phải vậy.
“Vì vậy trong luật này phải có quy định thế nào để kiểm soát được vấn đề công nghệ. Chúng tôi đã nêu rất nhiều để Bộ Khoa học và Công nghệ thay mặt Chính phủ sửa đổi. Tuy nhiên trong dự thảo thì sửa đổi cũng chưa được như mong muốn và hai bên đang ngồi lại để làm sao có luật đáp ứng để nước ngoài không lợi dụng kẽ hở để đưa công nghệ lạc hậu vào”, ông Phan Xuân Dũng cho biết.
Theo ông Phan Xuân Dũng vẫn có một cái khó là hình thành Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi) cũng bị dính vào một số điều của Luật Đầu tư, Luật Giá... Những bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản chính thức đề nghị không đưa các điều luật mà ban soạn thảo mong muốn đưa vào. “Đó là một số khó khăn mà chúng tôi đang rà soát” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết.
Chuyển giao công nghệ cần tránh như Formosa
Về dự án Luật Chuyển giao công nghệ, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng đây là bộ luật quan trọng vì Đảng, Nhà nước đã xác định khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu và “khoa học, công nghệ chỉ có ý nghĩa nếu nó được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất kinh doanh”.
Theo ông Bình, chúng ta còn quá nhiều bất cập, mà luật trước chúng ta thực hiện chưa hiệu quả. Chính sách của nhà nước về chuyển giao công nghệ còn chưa rõ nét, chưa đủ mạnh. Vì thế đại biểu ủng hộ việc sửa đổi luật chuyển giao công nghệ để từ đó “chúng ta phải ưu tiên những ngành, lĩnh vực chủ chốt, mũi nhọn”.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng luật mới cần tập trung nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn và phải có chích sách khuyến khích mạnh mẽ đội ngũ các nhà khoa học làm việc ở lĩnh vực này.
Đặc biệt, đại biểu Bình nhấn mạnh: “Từ kinh nghiệm Formosa, việc chuyển giao công nghệ cần cẩn trọng, không thể biến ta thành bãi rác, nhập công nghệ lạc hậu về thì tốn tiền của dân. Phải có thẩm định về khoa học, công nghệ ở tất cả các dự án, ở tất cả các doanh nghiệp. Nhà nước phải tập trung quản lý, thắt lại các dự án đầu tư nước ngoài”.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Giám đốc Học viên Nông nghiệp Việt Nam) cũng cho rằng cần thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao bằng những chính sách tốt, để chuyển giao, hoàn thiện các công nghệ tiên tiến. Bổ sung chính sách ưu đãi, ưu tiên mạnh mẽ cho các trường, viện, học viện, doanh nghiệp có chuyển giao khoa học, công nghệ. Cần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp. Cần có chính sách để thúc đẩy phát triển công nghệ, sản phẩm chủ lực quốc gia.
Theo Tuổi trẻ