Không cứ phải là đảng viên

06/11/2011 09:35

Bác Hồ rất hiểu ông Nguyễn Văn Huyên và những người trí thức như ông, dù không đứng trong Đảng nhưng đã suốt đời làm việc vì lợi dân, ích nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong thành phần Chính phủ lâm thời do Cụ Hồ làm Chủ tịch, có nhiều trí thức trẻ đã được mời tham gia. Ông Nguyễn Văn Huyên, tiến sĩ văn khoa, cử nhân luật học, được giao giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ (sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) khi ấy mới 37 tuổi.

Ngay thời gian đầu tiên được Chính phủ giao trọng trách “diệt giặc dốt” (là một trong ba thứ giặc lúc bấy giờ), ông Huyên không khỏi lo ngại, bởi dân ta phần lớn không biết chữ, vả lại điều kiện trường lớp, thầy, cô thiếu thốn vô cùng. Nhưng vốn là người xốc vác, hơn nữa ông lại còn trẻ, hăng hái, cho nên mọi khó khăn đều được giải quyết ổn thỏa. Phong trào “bình dân học vụ” mà ông phụ trách đã đạt được những kết quả mà cho đến nay mỗi khi nhắc đến ai cũng phải thán phục. Cụ Hồ rất hài lòng. Thế mà có một lần, ông Huyên xin từ chức Bộ trưởng với lý do: không phải là đảng viên (đúng hơn là ông không tham gia đảng phái nào). Cụ Hồ không bằng lòng khi nghe tin ấy. Cụ đã gặp và động viên ông Huyên. Cụ nói: “Không cốt là đảng viên cộng sản hay không đảng, mà cốt là làm việc có tốt hay kém, có hiệu quả hay không hiệu quả, điều đó mới quan trọng”. Nghe lời Cụ Hồ, ông Huyên lại tiếp tục làm việc, giữ chức Bộ trưởng Giáo dục cho đến những năm cuối đời.

Năm 1960, Chi bộ Văn phòng Bộ Giáo dục nhất trí đề nghị kết nạp ông Nguyễn Văn Huyên vào Đảng. Đề nghị đã được Đảng ủy cơ quan Bộ Giáo dục và Đảng ủy dân chính Văn phòng Trung ương đồng ý. Nhưng khi thông qua Ban Bí thư thì Cụ Hồ góp ý kiến rằng: “Để chú Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn là ở trong Đảng”. Biết vậy, ông Huyên rất xúc động, bởi vì ông nghĩ, Cụ Hồ rất hiểu ông và những người trí thức như ông, dù không đứng trong Đảng nhưng đã suốt đời làm việc vì lợi dân, ích nước.

Chú là Hiểu mà lính của chú ít hiểu

Tháng 7 - 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký kết. Chúng tôi đang chuẩn bị cho trung đoàn học tập nghị quyết của Trung ương. Một sáng, Bác đi công tác qua đã vào thăm đơn vị.

Bác buộc ngựa vào một thân cây đầu doanh trại, bước nhanh vào “lán” của chúng tôi. Chưa kịp đánh kẻng tập trung đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đã ùa ra vây quanh Bác. Tiếng hô “muôn năm, muôn năm” vang dậy cả khu rừng.

Tôi là trung đoàn trưởng, nên tự chấn chỉnh trang phục, dẫn anh em chạy ra định mời Bác vào nhà khách. Bác ra hiệu không cần thiết, bảo anh em ngồi xuống để Bác bắt đầu nói chuyện.

Bác phân tích tình hình kháng chiến của ta, tình hình thế giới, tình hình ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ và việc thi hành hiệp định. Tuy là những vấn đề “hắc búa” nhưng Bác diễn tả cụ thể, rõ ràng, “lính ta” cứ gật gù đồng tình, tỏ vẻ nhận thức được. Tôi đứng cạnh Bác mấy bước thấy vậy cũng khấp khởi mừng thầm trong bụng. Nói xong Bác hỏi:
- Có chú nào thắc mắc gì nữa không?
- Thôi ạ, thôi ạ!
 Tôi nghĩ, “thôi ạ” nhiều quá thế này, ông cụ lại chất vấn cho một câu, anh nào mà bí thì chết… Cũng có anh em định hỏi, nhưng ý sợ Bác có ít thời gian, lại cũng có người ngại… Bỗng có một chiến sĩ đứng lên, Bác khuyến khích:
- Cháu cứ nói đi.

Anh lính bỏ mũ nan lợp lá cọ cầm trong tay xoay xoay vành, ấp a ấp úng:
- Thưa… dạ thưa Bác… khi Bác nói chuyện, Bác có kể về Sài Gòn. Cháu… cháu xin hỏi: “Cái nước Sài Gòn” họ ở đâu ạ?
Tôi đứng chết lặng đi. Bác thì hơi thoáng buồn. Bác tìm một cái que, rồi tiến ra một mảnh đất không có cỏ nói:
- Các cháu lại đây.
Bác vẽ bản đồ Việt Nam rồi chỉ dẫn:
- Đây là nước ta. Thủ đô của ta là Hà Nội, Việt Bắc, Thái Nguyên ở đây. Thanh Hóa đây, Huế đây, Sài Gòn đây… Vậy Sài Gòn là của nước ta hay nước nào?
Tiếng trả lời ồn ào hẳn lên. Bác đưa mắt hỏi đồng chí đã thắc mắc.
- Dạ, thưa Bác, Sài Gòn là nước ta ạ…

Bác gật đầu. Lát sau, Bác bảo anh em về tiếp tục học tập để Bác còn đi công tác… Chúng tôi tiễn chân Bác xuống đồi. Tôi dắt ngựa đi theo Bác. Bác hỏi:
- Chú nào là cán bộ phụ trách ở đây?
Tôi khẽ thưa:
- Dạ, cháu ạ.
- Chú tên là gì?
- Dạ tên cháu là Hiểu ạ.
Bác dừng chân nhìn thẳng vào mắt tôi, nói:
- Tên chú là Hiểu mà lính của chú ít hiểu biết quá... Có bao nhiêu cháu chưa biết chữ?
- Dạ có đến vài chục người.
- Chú mở lớp bình dân, dạy cho chiến sĩ, một tháng rưỡi sau Bác sẽ trở lại kiểm tra....
Câu nói và cái nhìn của Bác năm ấy cho đến bây giờ không sao tôi quên được và tôi cứ hối hận mãi như có lỗi với Người.

(Trích trong "120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh")

(0) Bình luận
Không cứ phải là đảng viên