Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong thành phần Chính phủ lâm thời do Cụ Hồ làm Chủ tịch, có nhiều trí thức trẻ đã được mời tham gia.
Ông Nguyễn Văn Huyên – Tiến sĩ Văn khoa, Cử nhân Luật học, được giao giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ (sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) khi ấy mới 37 tuổi.
Ngay thời gian đầu tiên, được Chính phủ giao trọng trách công tác văn hóa giáo dục “diệt giặc dốt” (là một trong ba thứ giặc lúc bấy giờ), ông Huyên không khỏi lo ngại, bởi vì 90% số dân ta không biết chữ, vả lại điều kiện trường lớp, thầy, cô thiếu thốn vô cùng. Nhưng vốn là người xốc vác, hơn nữa ông lại còn trẻ, hăng hái, cho nên mọi khó khăn đều được giải quyết ổn thỏa. Phong trào “Bình dân học vụ” mà ông phụ trách đã đạt được những kết quả mà cho đến nay mỗi khi nhắc đến ai cũng phải thán phục. Cụ Hồ rất hài lòng về vị Bộ trưởng của mình bởi vì ngoài những thành tích, ông Huyên còn là người do Cụ Hồ giới thiệu vào trong thành phần Chính phủ.
Thế mà có một lần, ông Huyên xin từ chức Bộ trưởng với lý do ông không phải là đảng viên (đúng hơn là ông không tham gia đảng phái nào). Cụ Hồ không bằng lòng khi nghe tin ấy. Cụ đã gặp và động viên ông Huyên, Cụ nói: “Không cốt là đảng viên cộng sản hay không đảng, mà cốt là làm việc có tốt hay kém, có hiệu quả hay không hiệu quả, điều đó mới quan trọng”. Nghe lời Cụ, ông Huyên lại tiếp tục làm việc, giữ chức Bộ trưởng Giáo dục cho đến những năm cuối đời.
Năm 1960, Chi bộ Văn phòng Bộ Giáo dục nhất trí đề nghị kết nạp ông Nguyễn Văn Huyên vào Đảng. Đề nghị đã được Đảng ủy cơ quan Bộ Giáo dục và Đảng ủy dân chính Văn phòng Trung ương đồng ý. Nhưng khi thông qua Ban Bí thư thì Cụ Hồ góp ý kiến rằng: “Để chú Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn là ở trong Đảng”. Biết vậy, ông Huyên rất xúc động, bởi vì ông nghĩ, Cụ Hồ rất hiểu ông và những người trí thức như ông, dù không đứng trong Đảng nhưng các ông đã suốt đời làm việc vì lợi dân, ích nước.