Không có thứ kim loại nào chóng rỉ bằng ngòi bút

21/06/2023 13:10

Không có thứ kim loại nào chóng rỉ bằng ngòi bút. Nhà báo còn trẻ thì phải cố gắng đến những nơi thật xa, nơi khó đến để viết bài và tích lũy vốn sống.


Niềm vui lớn của người viết trong hành trình làm báo là đến được những nơi xa xôi. Trong ảnh: Phóng viên Báo Hải Dương tác nghiệp tại huyện biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh)

Những năm 90, thế kỷ 20 là những năm thật nhiều hào hứng, nhiều cảm xúc mới mẻ đối với người làm báo. Nhưng đó cũng là thời kỳ nhiều thử thách đối với bản lĩnh, trí tuệ trước trang giấy và cây bút. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI - Đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước - thấm sâu trong hiện thực xã hội. Đến nay sau gần 40 năm đổi mới, chúng tôi vẫn nhớ như in những dấu mốc khó quên trong cuộc đời. Nhớ, bởi vì có những quyết định lớn ở tầm vĩ mô, khi đã đi vào đời sống rồi mới thấy nó thật là đơn giản. Vậy mà phải bao nhiêu tìm tòi, đấu tranh, bao nhiêu tâm huyết, vượt lên biết bao ngáng trở, có khi ngáng trở nhất lại là sức ỳ của tư duy, mới đề ra được và làm được. Mới thấy những quyết định đúng đắn của những người chèo lái con thuyền đất nước lúc bấy giờ là vô cùng can đảm.  

Sau sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã tròn 30 năm, loài người đã có độ lùi để bình tĩnh nhìn lại cơn địa chấn chính trị những năm cuối thế kỷ 20. Và chúng ta thấy rằng những nhận định của Đảng ta ở thời điểm đó là khách quan, khoa học.

Những năm đầu đổi mới, không thể không nhắc đến loạt bài “Những việc cần làm ngay” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết trên Báo Nhân Dân. Là “lính mới” của báo Đảng, hằng ngày tôi vẫn thường nhận được điện thoại từ đồng nghiệp, bạn đọc hoan nghênh bài viết của tác giả NVL. Có người hỏi khéo, tên tác giả là viết tắt ba từ “Nói và làm”, hay “Nhảy vào lửa”? Cảm nhận của chúng tôi khi đó là Tổng Bí thư đã thật sự “cởi trói” cho báo chí, văn nghệ. Điều này là sự cụ thể hóa chủ trương từ Đại hội VI của Đảng: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Hưởng ứng loạt bài của NVL kéo dài hơn ba năm (từ năm 1987 đến năm 1990), trên các tờ báo, đài phát thanh, truyền hình, liên tục xuất hiện các bài viết, phóng sự, điều tra chống tiêu cực. Báo chí thông tin nhiều chiều khởi sự từ đây. Tờ báo không chỉ là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước mà còn là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân. Điều này đã được tác giả NVL khẳng định ở một bài viết trong “Những việc cần làm ngay”.  

Những câu nói giản dị cũng là thông điệp gửi đến mọi thế hệ những người làm báo Đảng. Những khi, những giai đoạn  tờ báo có sa sút về chất lượng nghiệp vụ, văn hóa, bạn đọc không mấy mặn mà, thường là do “tính nhân dân” chưa được coi trọng đúng mức. Có thể là chất lượng chính trị vẫn bảo đảm, đường lối, chủ trương được tuyên truyền kịp thời, bài bản, nhưng đúng là có những cái tuy đúng, tuy trúng mà không hay. Không hay có nhiều nguyên nhân. Bây giờ bình tĩnh giở những trang sổ tay ghi chép đã ố vàng về những cuộc thảo luận ở Ban biên tập, Đảng ủy, Liên chi hội nhà báo, hay những hội thảo, giao ban, thấy rằng sự không hay ấy đã được nói tới từ rất sớm. Dễ nhận thấy là, tính chiến đấu của tờ báo có thời kỳ không cao, có khi né tránh những vấn đề bức xúc, những điều mà bạn đọc mong chờ một lời phân tích, giải đáp thấu đáo.  

Một vị lãnh đạo lâu năm của báo dặn dò phóng viên: Trọng tâm của chúng ta là tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể, theo lời căn dặn của V.I Lê-nin; là phải tuyên truyền điển hình, nhân tố mới, người tốt việc tốt, xây tốt để chống tốt; là có chống thì cũng phải chống cái sai từ cơ chế, từ “việc”, chứ không phải nhằm vào “người”. Đấy, nhân đạo cộng sản, nhân văn là ở chỗ ấy! Chúng ta như người múa kiếm ấy. Đứng trên cái mặt bàn chừng hai mét vuông, đừng có tưởng đấy là cái sân rộng như bãi biển Cửa Lò. Đứng trên mặt bàn hẹp đã khó, lại còn vướng cái trần nhà. Thanh kiếm dài hai mét, tường thấp, trần nhà chỉ có hai mét hai. Thế thì vung kiếm thế nào? Các đàn anh đi trước thường ý nhị, như kiểu xòe bàn tay ra mà bấu cả năm ngón vào đầu gối bạn: “Cẩn thận, chạm trần!”. Muốn thế, mỗi phóng viên phải đồng thời là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà luyện chữ. Nói cao siêu thế nhưng thật sự phải là một thợ cày. Đọc một bài đại phóng sự của anh ra mấy kỳ liền mà cứ thấy thơm nưng nức, chả thấy giọt mồ hôi nào của người viết thì người ta chán anh liền. Có thể người ta kính anh mà không trọng. Anh có thể vỗ ngực thùm thùm, nhưng anh chỉ có uy thôi mà không có tín. Lại có những phóng viên chuyện gì cũng bàn, cũng viết, nhưng mà hời hợt, mà nhạt. Nghề làm báo không sợ bài dở, bài không đúng mà sợ nhất là bài nhạt. Không sợ sai mà sợ lười, sợ thiếu bản lĩnh. Đọc bài thấy tác giả tỏ ra bác mà không uyên. Anh ta giống như người đánh cồng chiêng. Cứ uôm uôm… oang oang mà chả có được giọt âm thanh nào lọt vào tai vào óc người ta. 

Chúng tôi về công tác ở báo Đảng thấy ngợp trong không khí làm báo những năm đầu công cuộc đổi mới đất nước. Các đàn anh đi trước dặn dò: chú ý phát hiện, chú ý phản biện và chú ý tổng kết. Mà muốn thế thì phải ham đi, ham đọc, ham nghĩ và ham viết. Nhà báo Lê Huyền Thông vừa thoát hiểm sau lần mổ dạ dày, phải cắt đi tới ba phần tư, ông bảo, tớ phải ăn hàng yến bột tam thất đấy, bây giờ lại muốn đi, muốn viết rồi đây. Không có thứ kim loại nào chóng rỉ bằng ngòi bút. Ông ngồi bên tôi, dưới tán đa xanh rợp, nhỏ nhẹ nói về cái “mẹo” nhỏ của nghề: “Chú còn trẻ, cố mà đến những nơi thật xa, thật khó đến. Thế thì bài viết mới lạ, mới không lẫn vào người khác. Cái tên đất, tên người đã đủ hấp dẫn rồi. Đấy, đi có hai ý, một là ham đi, hai là đi khổ. Đi khổ thì viết mới sướng được. Chứ cứ vi vu máy bay, chữ nghĩa sặc mùi văn phòng thì chả khác gì tấm bánh thiu. Đi để viết bài và đi để tích lũy vốn sống, để tích lũy chữ. Một chi tiết nhỏ, một câu nói hay có khi nhiều năm sau mới dùng đến”.

Còn trẻ thì ham đi, ham viết. Khi nói dấn thân với nghề thì người viết phóng sự, điều tra cần tới phẩm chất đó hơn cả. Viết phóng sự - điều tra tha hồ tung tẩy, vừa thoáng về tư duy, vừa đưa được nhiều chi tiết đời sống, lời ăn tiếng nói của người dân vào tác phẩm. Cái sự chồng lấn, nét mờ nhòe giữa văn và báo thể hiện rõ nhất ở thể loại này. Tại một hội thảo về viết ký, phóng sự, có nhà văn nói thế này: Thôi con lậy các thầy, cứ viết đi ạ, đừng để nhà phê bình chen vào khi mình đang “cày”. Như con sông có hai bờ ấy. Nhà văn viết thì thể nào cũng ra ký văn học. Nhà báo viết thì trước sau gì cũng ra ký báo chí. Văn hay báo đều tốt, cơ bản nhất là nó có hay không?  

Và có lẽ niềm vui lớn nhất đối với người viết là trong hành trình làm báo của mình chúng tôi  đã đến được nơi thâm sơn cùng cốc, ghi dấu ấn cảm xúc của mình vào mảnh đất, con người ở đó. Tâm hồn anh đã hòa với tâm hồn người đọc. Cái đó bền lâu hơn rất nhiều những tổng kết, những số liệu. Bởi vì bản thân mỗi sự vật, hiện tượng đã luôn tự tổng kết, bản thân cuộc sống đã luôn luôn làm mới mình. Một tác phẩm văn học sống được 50 năm có thể coi là tác phẩm “để đời”. Sống lâu như Truyện Kiều, hơn 200 năm và sẽ còn lâu hơn nữa, quả là rất hiếm. Còn tác phẩm báo chí thì khó hơn nhiều.

HẢI ĐƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không có thứ kim loại nào chóng rỉ bằng ngòi bút