Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính từ 6 giờ ngày 16.4 đến 6 giờ ngày 13.6, đã 58 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Các công dân hoàn thành cách ly y tế tập trung trở về với gia đình. Ảnh: Hữu Trung/TTXVN
Tính đến 6 giờngày 13.6, Việt Nam có tổng cộng 193 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính từ 18 giờngày 12.6 đến 6 giờngày 13.6, không có ca mắc mới.
Chiều 12.6, Bộ Y tế thông báo phát hiện một thuyền viên dương tính với virus SARS-COV-2 và đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Như vậy, tính đến 6 giờsáng 13.6. Việt Nam đã ghi nhận 333 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 323 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm tỷ lệ 97%), chưa có trường hợp nào tử vong.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 6.475 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 136 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 5.478 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 861 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 3 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 có 1 ca.
Liên quan đến bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin từ Tiểu ban Điều trị cho biết sức khỏe bệnh nhân tiếp tục có thêm những chuyển biến tích cực.
Hiện tại bệnh nhân tỉnh, nhớ được cả mật khẩu của điện thoại và iPad của mình, đồng thời vận động hai chi trên dần hồi phục về mức bình thường, có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại, tiếp xúc tốt, sức cơ 2 chân còn yếu. Bệnh nhân còn khó thở khi gắng sức. Sức cơ hô hấp có cải thiện.
Bệnh nhân hiện đang tập cai máy thở, thời gian bỏ máy tập thở dài hơn, nhưng tối vẫn cần thở máy hỗ trợ để giảm tình trạng yếu cơ. Chức năng thận của bệnh nhân đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt.
Trước đó, bệnh nhân đã lần đầu mỉm cười với các nhân viên y tế vào ngày 4.6, đến ngày 8.6, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đung đưa hai chân, đồng thời, nam bệnh nhân đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh.
Với sự tiến bộ hiện tại của bệnh nhân, có thể thời gian cần cho việc bỏ hoàn toàn máy thở sẽ ngắn hơn như đã tiên lượng trước đó.
Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 87 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18.3- 22.5; tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22.5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng ECMO từ sáng 3.6, ngưng lọc máu từ ngày 27.5.
Những tiến triển của bệnh nhân nam phi công đến ngày hôm nay khiến ai nấy đều ngỡ ngàng. PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - cho rằng những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân 91 như một lời động viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.
Theo Vietnam+