Nhiều trường THCS chỉ dạy trọng tâm ba môn thi vào lớp 10 ngay từ đầu năm lớp 9. Vì vậy, việc không cố định môn thi thứ ba nhằm tránh chuyện học lệch, học tủ.
Bên lề hội nghị Tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, ngày 31/10, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết "tinh thần phương án thi vào lớp 10" sẽ gồm ba môn. Trong đó, toán, ngữ văn là môn bắt buộc. Môn thứ ba do địa phương lựa chọn trong những môn có tính điểm còn lại, không cố định hàng năm.
"Môn thi thứ ba có thể lặp lại nhưng cách nhau ít nhất một năm", ông cho biết.
Theo ông Thưởng, việc không cố định môn thi thứ ba nhằm tránh chuyện học lệch, học tủ. Qua kiểm tra và ghi nhận thực tế, bộ nhận thấy có nhiều trường THCS chỉ dạy trọng tâm ba môn thi vào lớp 10 ngay từ đầu năm lớp 9.
Trong khi đó, chương trình giáo dục THCS hướng đến học cơ bản, đồng đều để học sinh có đủ năng lực, phẩm chất tiếp tục vào bậc THPT hoặc chuyển sang giáo dục nghề nghiệp.
Phẩm chất, năng lực của học trò được hình thành, tổng hợp từ nhiều môn học. Do đó, thầy trò phải dạy và học bình đẳng giữa các môn, trừ hai môn cơ bản là toán, văn.
"Bộ đã kiểm tra, chấn chỉnh việc học lệch, học tủ rất nhiều. Nhưng phần lớn có tâm lý thi thế nào thì học như vậy, cho nên phải quản lý nghiêm", ông Thưởng nói.
Ông Thưởng khẳng định để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, học sinh chỉ cần học đều các môn, không cần lo lắng hay phải học thêm. Về việc TP Hồ Chí Minh đề xuất giữ ổn định kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Thứ trưởng cho hay quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới nhằm thực hiện thống nhất trong toàn quốc, không có ngoại lệ.
Ông cũng cho rằng việc dạy và học tiếng Anh được thực hiện xuyên suốt từ tiểu học đến hết lớp 12, thậm chí học suốt đời, không nên phụ thuộc vào một kỳ thi.
"Không có phương án nào đáp ứng hoàn toàn nhưng phải chọn cách tối ưu, phù hợp nhất để bảo đảm chất lượng giáo dục", ông Thưởng nhận định.
Các đề xuất của bộ về kỳ thi lớp 10 được công bố cách đây hai tuần, trong dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Trước đó, bộ còn dự kiến chọn môn thứ ba bằng cách bốc thăm, song đã bỏ.
Khảo sát của phóng viên cho thấy 88% trong hơn 50.800 độc giả tham gia mong muốn kỳ thi cố định với ba môn toán, văn, ngoại ngữ.
Nhiều học sinh, phụ huynh cho rằng việc thay đổi môn thi thứ ba hàng năm là không công bằng, gia tăng áp lực, khiến các em phải học thêm nhiều.
Một số chuyên gia cũng nhận định tuyển sinh lớp 10 với ba môn toán, văn, ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh) là hợp lý, nhất là trong bối cảnh tiếng Anh đang được định hướng trở thành ngoại ngữ thứ hai trong nhà trường. Khắc phục tình trạng học lệch cần phải bằng cách quản lý tốt, chứ không nên dùng môn thi.
Dự kiến quy chế tuyển sinh THCS và THPT sẽ được ban hành trước ngày 31/12.
TB (tổng hợp)