Sáng 20-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Lo không có người soạn sách giáo khoa
Đoán trước sự lo lắng về sự minh bạch trong việc biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) mới, mở đầu phiên thảo luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Vũ Luận nói ngay: “Tôi cam đoan, tuyệt nhiên không có vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong việc biên soạn SGK”.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) góp ý vào Đề án đổi mới chương trình,
sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: Đình Nam
Lo lắng này của dư luận thời gian qua xuất phát từ việc Bộ GDĐT sẽ cùng thực hiện một bộ SGK song song với các tổ chức, cá nhân khác. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải do yêu cầu rất cao về mặt khoa học, nhiều việc biên soạn SGK trước đây không có nhiều người tham gia và dự báo lần này số người tham gia làm SGK còn ít hơn. Dự báo sẽ có hai khả năng xảy ra: thứ nhất là các nhóm biên soạn sẽ tham gia tạo ra bộ SGK tốt. Khả năng thứ hai là không có được SGK đủ chất lượng, đúng thời hạn. “Kinh nghiệm cho thấy khả năng thứ 2 rất dễ xảy ra. Khi đó, phương án Chính phủ cho phép Bộ GDĐT làm một bộ SGK để ứng phó”, Bộ trưởng Luận nói. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định Bộ GDĐT không phải là “vừa đá bóng, vừa thổi còi". Trong lịch sử, Bộ GDĐT chưa bao giờ viết SGK và cũng sẽ không làm việc này. Theo Bộ trưởng Luận, việc biên soạn SGK sẽ do các nhà giáo, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia. Bộ GDĐT chỉ tổ chức bộ máy vận hành, ban hành các văn bản quy phạm, pháp luật... Thẩm định SGK sẽ do một hội đồng gồm nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia am hiểu do nhiều cơ quan giới thiệu thực hiện.
Đề án có khả thi?Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) tham gia ý kiến với tư cách mà theo đại biểu là của một phụ huynh. Đại biểu Trang nói: “Thực hiện đề án về SGK theo tôi phải kèm theo hai đề án nữa để đạt chuẩn đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. SGK theo đề án mới có cả tham quan, thực địa hội thảo, giao lưu. Bao nhiêu trường có đủ kinh phí, cơ sở vật chất thực hiện, bao nhiêu giáo viên có đủ năng lực để thực hiện đại trà? Thậm chí phải đổi mới cả chương trình của các trường sư phạm mới làm được”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, băn khoăn về vấn đề cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đã được bàn thảo, cân nhắc rất nhiều ở bộ, Chính phủ và cả Trung ương Đảng. Bộ trưởng Luận thừa nhận: “Cơ sở vật chất của nhà trường đã được cải thiện đáng kể nhưng còn bất cập ở vùng sâu, vùng xa”. Để đổi mới căn bản giáo dục, Chính phủ có đến 18 đề án khác nhau, trong đó có đề án về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đổi mới trường sư phạm. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông tin thêm, thời gian qua, Bộ GDĐT đã thực nghiệm một số điểm của chương trình mới ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó việc áp dụng chương trình tiếng Việt mới đã thực hiện trên 380.000 học sinh ở 4.000 trường trên 42 tỉnh... Các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, khi tiếp cận cái mới rất e dè, nhưng sau đó thì tiếp cận nhẹ nhàng, tự nhiên và rất nhanh.
Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, biên soạn SGK là việc mang tính khoa học, liên quan nhiều lĩnh vực. Ở các nước có ngành giáo dục phát triển, công việc này làm chuyên nghiệp do các viện khoa học về giáo dục thực hiện. Ở Việt Nam hiện chưa có chuyên gia, bộ máy chuyên biệt về SGK. Bộ GDĐT đã cử cán bộ đi học và khi đủ điều kiện sẽ thành lập viện riêng về SGK để đáp ứng yêu cầu xã hội.
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua Luật Tổ chức QH (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Vẫn giữ 3 mức độ tín nhiệm là bất hợp lý Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng nếu cứ giữ 3 mức độ tín nhiệm như trên là bất hợp lý. Theo bà Nga, dự thảo vẫn giữ nguyên ba mức: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp" chưa phù hợp bởi các lý do sau:
Thứ nhất, xuất phát từ bản chất của lấy phiếu là “thăm dò mức độ tín nhiệm", cho nên phải nhằm trả lời câu hỏi: Chức danh cụ thể đó có được QH tín nhiệm không? Nếu được tín nhiệm thì ở mức độ nào? Quy định ba mức như trên đã dẫn đến việc chưa cần tiến hành lấy phiếu thì chúng ta đã mặc định trước kết quả: tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định tín nhiệm cao, vừa, hay thấp mà thôi. Cử tri đặt câu hỏi: sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có những lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà QH ấn định là tất cả những người đứng đầu đều được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?
Thứ hai, việc không quy định mức “không tín nhiệm” vô hình trung chúng ta đã hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó và qua đó đã hạn chế luôn cả quyền này của cử tri vì lá phiếu đánh giá của đại biểu QH là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri. Đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình, nếu ghi thêm chữ “không tín nhiệm” thì phiếu trở thành không hợp lệ.
Thứ ba, căn cứ cơ bản nhất của đánh giá tín nhiệm là "kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn". Việc không quy định mức "không tín nhiệm" là chưa đồng bộ với Điều 29 Luật Cán bộ, công chức, theo đó trong bốn mức đánh giá cán bộ thì có một mức là "không hoàn thành nhiệm vụ".
Thứ tư, xem xét toàn bộ quy trình lấy phiếu, chúng tôi thấy đã có những giới hạn khá thận trọng, ít có khả năng xảy ra hệ quả xấu đối với người được lấy phiếu (như các quy định về trên 2/3 số phiếu thấp hoặc hai năm liên tiếp quá nửa số phiếu thấp và qua nhiều thủ tục xem xét của cơ quan có thẩm quyền...).
Chúng tôi đề nghị sửa theo hướng giữ nguyên các giới hạn thận trọng như hiện hành và quy định hai mức là: "tín nhiệm" và "không tín nhiệm". Trong ô tín nhiệm chia nhỏ thành hai mức: "tín nhiệm" và "tín nhiệm cao".
Không công bằng với người được lấy phiếuQH đã 2 lần lấy phiếu: Lần một vào tháng 6-2013 (sau 22 tháng kể từ khi bầu, phê chuẩn), lần hai vào tháng 11-2014 (sau 17 tháng kể từ lần lấy phiếu trước). Với thời hạn, thời điểm như vậy, theo bà Lê Thị Nga đã đủ điều kiện cho cử tri, đại biểu đánh giá về kết quả hoạt động của các chức danh này.
Cử tri đánh giá kết quả hai lần lấy phiếu đã phản ánh khá khách quan, sát với tình hình kết quả điều hành trên các lĩnh vực và kết quả lấy phiếu vừa xong còn thể hiện QH thực sự đã ghi nhận khá công tâm sự chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành của một số chức danh.
Dự thảo quy định lấy phiếu vào kỳ họp cuối của năm thứ 3 là chưa hợp lý vì cuối năm thứ 3 (tức sau gần 30 tháng kể từ khi được bầu hoặc phê chuẩn) là quá muộn, làm giảm hiệu quả của giám sát. Theo bà Lê Thị Nga, cần quy định lấy phiếu hai lần vào kỳ họp thứ năm (tức kỳ họp đầu của năm thứ ba) và lần hai vào kỳ họp thứ tám (tức kỳ họp cuối của năm thứ tư) của nhiệm kỳ QH.
Cũng trong buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch.
TT-TTXVN
Ngày 21-11, QH làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; thảo luận về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
|