Đó là tâm sự của Tất Thái Nguyên (đội Hưng Thịnh - TP Hồ Chí Minh), người tưởng chừng đã trở thành trẻ cơ nhỡ nếu không có những nỗ lực cũng như duyên may đưa anh đến với quần vợt.
Quần vợt đã giúp Thái Nguyên vươn lên trong cuộc sống
Dù gia cảnh khó khăn, lại không được đầu tư đặc biệt nhưng Thái Nguyên đã sớm khẳng định được vị trí của mình trong làng quần vợt Việt Nam.
Khóc vì mưa
Ở tuổi 19, Thái Nguyên là 1 trong 10 tay vợt hàng đầu Việt Nam, thậm chí từng giành á quân giải vô địch quốc gia. Là con thứ hai trong một gia đình nghèo ở quận 8 (TP Hồ Chí Minh), năm 9 tuổi, may mắn đã dẫn Thái Nguyên đến với tổ chức dạy quần vợt từ thiện của cô Tricia Iverson, một Việt kiều Mỹ.
Có 20 năm sống cùng quần vợt và được công nhận là vận động viên cấp quốc gia của Mỹ nhưng do bị chấn thương vai nên cô Tricia Iverson phải giã từ sự nghiệp thi đấu để chuyển sang làm chuyên gia huấn luyện.
Ban đầu, người được tìm đến là Văn Công Tiến - anh của Thái Nguyên. Rồi một hôm mẹ bảo anh Công Tiến đưa Thái Nguyên đi cùng để "có thể thao với người ta". Không ngờ ngay lần cầm vợt đầu tiên, Thái Nguyên đã bị quần vợt "hút hồn" đến mức không muốn buông vợt.
Kể từ đó, dù bận học, mỗi ngày Thái Nguyên đều đạp xe đi tập 45 phút (mỗi buổi tập 2 tiếng đồng hồ nhưng Thái Nguyên bận học nên chỉ tập được 45 phút cuối) và không sót buổi nào. Có những ngày mây đen vần vũ, Thái Nguyên vẫn đi với hi vọng được tập. Nhưng giữa đường mưa lớn, biết không thể tập được, Thái Nguyên ngồi ngay giữa đường khóc nức nở.
Có những buổi chiều Thái Nguyên rủ đám bạn ra khoảng đất trống gần nhà, lấy ba chiếc xe đạp giăng ngang làm lưới đánh đến trời tối mịt mới về. Vậy mà chỉ vài tháng sau, Thái Nguyên vượt mặt mọi đối thủ cùng trang lứa. Một năm sau, anh bắt đầu thi đấu các giải và lọt vào con mắt nhà nghề của các chuyên gia đội Hưng Thịnh - TP Hồ Chí Minh.
Thăng tiến
Được tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp của đội Hưng Thịnh - TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên trở thành một trong những tài năng trẻ hàng đầu của quần vợt Việt Nam và nhiều lần được gọi vào tuyển trẻ quốc gia tham dự các kỳ Davis Cup trẻ.
"Nếu không có cô Tricia Iverson, không có Câu lạc bộ Hưng Thịnh - TP Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ hết mình của cô Nguyễn Thị Kiều Mỹ và thầy Trần Quốc Phong... có lẽ cuộc đời tôi đã sang một trang khác, ít gam màu hồng của tương lai ổn định. Có ai nghĩ một đứa trẻ nhà nghèo như tôi lại được chơi quần vợt - môn thể thao dành cho người có điều kiện, thậm chí là thi đấu chuyên nghiệp", Thái Nguyên chia sẻ.
Từ đầu năm nay, Thái Nguyên như cá gặp nước khi Câu lạc bộ LB Hưng Thịnh - TP Hồ Chí Minh thuê được chuyên gia người Peru Ivan Miranda, cựu tay vợt từng xếp hạng 104 thế giới.
"Tôi học được nhiều thứ từ huấn luyện viên Ivan Miranda. Ông ấy giúp tôi sửa cú đánh thuận tay, cú giao bóng... Ngay cả việc dùng vợt trước đây tôi cũng không mấy quan tâm nhưng ông đã khuyên tôi đổi vợt phù hợp. Điều này giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn với cây vợt mới. Huấn luyện viên Ivan Miranda còn là bậc thầy về chiến thuật trong thi đấu", Thái Nguyên nói.
Thái Nguyên chia sẻ thêm: "Lúc nhỏ tôi chơi vì đam mê, nhưng không ngờ đến nay quần vợt lại trở thành cái nghề của mình. Hiện nay tôi đã tự lo cho mình và hằng tháng còn gửi tiền phụ giúp cha mẹ. Đó là những điều mà tôi chẳng mơ ước nổi nếu không có quần vợt".
Ước mơ chiếc áo tuyển Việt Nam Về mục tiêu tương lai của mình, Thái Nguyên nói: "Tôi sẽ phấn đấu vào nhóm 4 tay vợt hàng đầu Việt Nam trong tương lai. Sau đó, biết đâu tôi lại có một suất vào tuyển Việt Nam thi đấu Davis Cup, SEA Games... Đã hai lần được gọi vào tuyển trẻ Việt Nam tham dự Davis Cup trẻ. Chỉ cần nỗ lực hơn nữa, tôi sẽ có thể vượt mọi rào cản để vươn đến thành công". |
Theo Tuổi trẻ