Nhờ XKLĐ, nhiều nông dân đã thoát nghèo. Nhưng nhiều người cũng vì khát vọng đổi đời bằng XKLĐ lại nhận được những “quả đắng” vì không may gặp phải các doanh nghiệp “lừa”, khiến họ tiền mất, nợ mang.
|
Anh Đinh Văn Quang đang kể về những ngày sống vất vưởng ở Ru-ma-ni |
Nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhiều nông dân chỉ sau một thời gian ngắn đã thực sự thoát nghèo có cuộc sống khá giả. Nhưng nhiều người cũng vì khát vọng đổi đời bằng XKLĐ lại nhận được những “quả đắng” vì không may gặp phải các doanh nghiệp “lừa”, khiến họ tiền mất, nợ mang.
Xuất ngoại để... nhặt rác, chăn bòMặc dù đã về nước được mấy tháng nay, nhưng mỗi khi có ai hỏi về kỷ niệm đi Tây, anh Đinh Văn Quang ở thôn Dương Xuân, xã Quyết Thắng (Thanh Hà) vẫn chưa hết bức xúc vì bị “quả lừa” của Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (Petromanning). Do chăn nuôi thua lỗ, đang chán nản, nghe một số người nói có “cửa” đi Ru-ma-ni, anh liền vay mượn anh em, bạn bè và thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng được hơn trăm triệu đồng để xuất ngoại. Anh Quang nộp cho Công ty Petromanning ở Hà Nội 110 triệu đồng để làm hồ sơ, thủ tục và chi phí cho chuyến đi. Tháng 11 - 2009, anh Quang cùng hàng chục người lao động lên đường sang Ru-ma-ni. Mọi người trong gia đình anh ai cũng mừng và hy vọng chỉ một vài năm sẽ trả hết nợ, kinh tế gia đình sẽ thoát khỏi khó khăn. Theo hợp đồng ký kết với công ty, anh Quang sang Ru-ma-ni làm công việc về xây dựng, nhưng sang đó anh cùng những người lao động khác chỉ làm công việc này được ít ngày thì hết việc phải nghỉ và cũng không được trả lương, tiền ăn. Anh Quang cho biết: "Đợi mãi không có việc, chúng tôi ý kiến với công ty, họ bảo không có công việc về xây dựng và chuyển chúng tôi sang nhặt rác ở các bãi rác. Một số anh em khác thì được đưa đến các trang trại để chăn bò. Một số người, trong đó có tôi, không đồng ý đi nhặt rác vì không đúng với hợp đồng đã ký kết với Công ty Petromanning. Chúng tôi lên Đại sứ quán Việt Nam tại Ru-ma-ni nhờ can thiệp. Việc không có, lương không có, tiền ăn hết, thời tiết giá lạnh, cuộc sống của chúng tôi vất vưởng, khổ cực. Đại sứ quán phải mang gạo, mì tôm đến hỗ trợ chúng tôi”.
Cháu anh Quang là Đinh Văn Sỹ đi cùng đợt, phải đi nhặt rác cùng với một số người lao động khác. Do công việc này quá khổ cực, vất vả, bẩn thỉu và độc hại, cộng với các điều kiện sinh hoạt thiếu thốn: ăn đói, mặc không đủ ấm, nước sinh hoạt bẩn và phải thường xuyên trốn cảnh sát vì không có giấy phép cư trú, giấy phép lao động, nhiều người hoang mang, có người ốm nặng phải đi viện cấp cứu. Vì vậy mọi người đòi về nước.
Ở xã Quyết Thắng, cùng đi với chú cháu anh Quang trong chuyến xuất ngoại trên có các anh Đinh Văn Cảnh, Hoàng Văn Lăng, Nguyễn Văn Hùng ở thôn Dương Xuân, Đồng Văn Mích ở thôn Hoàng Xá. Khi về nước, những người lao động bị lừa này đến thẳng công ty đòi bồi thường, hoàn trả chi phí. Đấu tranh mãi, Công ty Petromanning mới trả 85 triệu đồng/người. Ở xã Quyết Thắng còn có anh Mạc Văn Dũng (thôn Hoàng Xá) may mắn hơn, đã nộp 73 triệu đồng đang đợi “bay” thì xảy ra việc lao động bỏ về nước nên anh đã kịp đến Công ty Petromanning đòi lại được 72 triệu đồng.
Thành lập doanh nghiệp để... lừa đảoĐến bây giờ hơn chục người ở thị xã Chí Linh, huyện Nam Sách và một số người dân khác ở các tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ vẫn chưa "hoàn hồn" bởi cú lừa XKLĐ của Nguyễn Văn Vững, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Côn Sơn.Doanh nghiệp tư nhân Côn Sơn được ông Vững thành lập năm 2005 có trụ sở tại khu Tiên Sơn, phường Cộng Hòa (thị xã Chí Linh). Ngày 21-10-2005, doanh nghiệp này được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp giấy phép đăng ký kinh doanh ngành nghề: “Dịch vụ giới thiệu việc làm cho người lao động, đào tạo, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động”. Đến ngày 9-5-2006, doanh nghiệp của Vững đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh lần thứ 2 với các ngành nghề: “Dịch vụ giới thiệu việc làm cho người lao động, đào tạo, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu hàng mây tre đan, đồ nhựa, giầy dép, quần áo may sẵn”. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động giới thiệu việc làm và thực chất doanh nghiệp không sản xuất, kinh doanh mặt hàng gì cả. Để thực hiện mục đích của mình, Vững thuê anh Hoàng Trần Công, chị Chu Thị Yến và chị Nguyễn Thị Thoa đến trụ sở doanh nghiệp dạy tiếng Đài Loan. Mặc dù không có chức năng đào tạo, môi giới, tuyển người đi xuất khẩu lao động nhưng Vững vẫn dựng biển quảng cáo tại doanh nghiệp “Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ lao động, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước Côn Sơn” và có tuyên truyền, quảng bá để thu hút người dân đến nộp hồ sơ. Trong thời gian từ tháng 5-2006 đến tháng 8-2006, Vững chỉ đạo nhân viên nhận hồ sơ và thu tiền nhiều đợt của 11 người gồm: Chị Đinh Thị Hiệp (tỉnh Phú Thọ), anh Hoàng Văn Đức, các chị Hoàng Thị Vân, Dương Thị Thiện, Phạm Thị Tuyết, Vũ Thị Nhung (tỉnh Bắc Ninh), mỗi người 6.500 USD; anh Lê Trọng Hiệu 2.400 USD, anh Trần Văn Thành 4.500 USD, chị Nguyễn Thị Mai 2.500 USD (thị xã Chí Linh); chị Đỗ Thị Oanh (huyện Thanh Hà) 4.000 USD; anh Mạc Văn Tuyến (huyện Nam Sách) 6.700 USD. Ngoài ra, người nào học tiếng, Vững còn yêu cầu nộp thêm 700 nghìn đồng chi phí cấp chứng chỉ.
Để người lao động có niềm tin với doanh nghiệp, Vững ra chiêu bài “thông báo cho chị Oanh, anh Thành và một số người khác biết đã trúng tuyển xuất nhập khẩu lao động ở Đài Loan” để tiếp tục thu thêm tiền của họ. Và để người lao động không nghi ngờ, Vững đưa một số người sang Trung Quốc để học hộ lý, ca trưởng công xưởng. Sau 4 tháng quay về Việt Nam, Vững tiếp tục cam kết có trách nhiệm thực hiện hợp đồng, nếu không được thì trả lại tiền. Tổng số tiền Vững thu của người lao động là 59.100 USD và 2,1 triệu đồng. Thấy mãi không được XKLĐ, nhiều lần người dân đến gặp Vững yêu cầu trả tiền. Sau nhiều lần đòi, Vững mới trả cho chị Đỗ Thị Oanh 64 triệu đồng, anh Trần Văn Thành hơn 72 triệu đồng, anh Mạc Văn Tuyến hơn 107 triệu đồng, chị Vũ Thị Nhung 37 triệu đồng. Tổng số tiền đã trả hơn 280 triệu đồng. Đến tháng 8-2008 ông chủ Doanh nghiệp tư nhân Côn Sơn Nguyễn Văn Vững bỏ trốn “ôm” theo số tiền 667 triệu 500 nghìn đồng “chưa kịp trả” cho những người còn lại.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản người lao động của Nguyễn Văn Vững không thoát khỏi “lưới trời lồng lộng” của pháp luật. Bây giờ ông chủ doanh nghiệp này đang phải ngồi “bóc lịch” trong nhà giam với bản án 14 năm tù. Và hiện tại những người lao động trong vụ bị lừa XKLĐ sang Ru-ma-ni để “nhặt rác, chăn bò và sống vất vưởng” đang phải “gánh cục nợ” nên đều phải “lăn lưng” làm để trả.
XKLĐ là một con đường để nông dân thoát nghèo. Tuy nhiên, để tránh bị lừa, người lao động cần thận trọng, cảnh giác và tìm được công ty XKLĐ có uy tín, trách nhiệm. Mặt khác, để XKLĐ trở thành kênh thoát nghèo vững bền, tin cậy và hiệu quả đối với người dân, đề nghị các bộ, ngành chức năng ở Trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng ở địa phương cần quan tâm, quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác XKLĐ, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những tổ chức doanh nghiệp, công ty và những cá nhân có hành vi lừa đảo XKLĐ để chiếm đoạt tài sản của người dân.
BÀNH CHÂU