Thông tin được tỉnh Hòa Bình công bố tại họp báo chiều 17.10, hơn một tuần sau khi sự cố đổ trộm dầu thải ở nguồn nước đầu vào Nhà máy nước sông Đà.
Buổi họp báo "Thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho TP Hà Nội" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức bắt đầu lúc 15 giờ 30 ngày 17.10, do ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, có sự tham gia của đại diện Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Kỳ Sơn và Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà.
Trước đó, theo thông tin đưa ra bởi nhà chức trách Hà Nội, sự việc bắt đầu từ việc có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm tại khu vực đầu nguồn nước. Vị trí bị đổ dầu thải là ở xóm Mon, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, cách Nhà máy nước mặt sông Đà khoảng 5km.
Dầu thải tràn từ mặt đường xuống khe suối Trầm, theo suối Trầm dẫn vào hồ Đầm Bài - khu vực trữ nguồn nước đầu vào cho nhà máy.
Nhà máy nước sông Đà
Một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) - đơn vị vận hành nhà máy - có phát hiện việc này từ sáng 8-10 nhưng không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng như TP Hà Nội.
Viwasupco cũng không có bất cứ hành động nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân của Hà Nội.
Kết quả xét nghiệm cho thấy theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren trong nước đã cao hơn mức quy định tối đa 20μg/l từ 1,3-3,65 lần.
Máy xúc đang nạo vét dòng suối ở khu vực bị đổ dầu thải
Theo thông tin mà ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco cho biết tại cuộc họp báo do TP Hà Nội tổ chức ngày 15.10 thì đơn vị này có báo cáo tới các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình do nhà máy đóng chân trên địa bàn tỉnh này.
Viwasupco đã tạm dừng cấp nước trong hai ngày 15 và 16.10 để xử lý bước đầu, và vừa cung cấp nước trở lại cho khu vực tây nam Hà Nội vào tối 16.10.
Khởi tố vụ án hình sự
Cung cấp báo cáo tại họp báo về kết quả kiểm tra, làm rõ vụ việc đổ trộm dầu thải tại khu vực Nhà máy nước Sông Đà, UBND tỉnh Hòa Bình cho biết ngày 16.10 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự.
Huyện đồng thời phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan tới vụ việc.
Người dân được thuê để xử lý khu vực bị nhiễm dầu
Chôn lấp chất thải chưa đúng quy định
Tại họp báo, ông Nguyễn Hoàng Thư, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hòa Bình cho biết Nhà máy nước Sông Đà cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn, Hà Nội, Hà Đông.
Với mục tiêu sử dụng nước sông Đà sản xuất nước sạch để cung cấp cho thủ đô, nhà máy nằm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn của tỉnh Hòa Bình, còn đường ống nằm trên địa bàn Hà Nội.
Ông Thư cho biết sau khi phát hiện sự cố đổ dầu trộm hôm 9.10, nhà máy đã báo cho Công an xã Phúc Tiến, công an xã sau đó báo cho Công an huyện Kỳ Sơn. Bước đầu, Viwasupco - đơn vị vận hành nhà máy đã rải cát toàn bộ mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ dính dầu.
Khối lượng thu gom khoảng 100l váng dầu lẫn nước, 7 bao tải cỏ dính dầu khoảng 60kg, được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại nhà máy, khoảng 3-4m3 cát dính dầu đã được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt nhựa, trên mặt phủ đất.
Ông Thư nhận định rằng việc để tạm thời cát, đất đá, nhựa đường lẫn dầu thải trong khuôn nhà máy là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Cũng theo ông Thư, hiện nguồn nước sông Đà chưa có dấu hiệu ô nhiễm nên vẫn được dùng để cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt người dân, trong đó có nhà máy nước sạch Sông Đà.
Theo Tuổi trẻ