Vườn thuốc cổ Dược Sơn nằm trong khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, y học.
Việc khôi phục vườn thuốc cổ quý giá này đã có những bước đi đầu tiên.
Giá trị lớn
Từ thế kỷ XIII, nhà Trần coi trọng việc sử dụng các cây thuốc nam để chăm sóc sức khoẻ nhân dân và chữa trị vết thương cho binh lính. Hưng Đạo Vương là người luôn trăn trở gây dựng vườn thuốc nhằm chủ động trong việc chữa bệnh, trị thương. Trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285), ngài đã cùng phu nhân là Thiên Thành công chúa và tướng Phạm Ngũ Lão dày công trồng nhiều loại thuốc quý trên núi Nam Tào, thuộc thái ấp Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo, TP Chí Linh). Vì thế, núi này còn có tên gọi khác là Dược Sơn (núi thuốc).
Đến thời Lê, vườn thuốc Dược Sơn vẫn được bảo tồn, phát triển rộng hơn 10 ha với tên gọi là Dược lĩnh cổ viên. Vườn thuốc được xếp vào bát cổ của Chí Linh vì không những có nhiều giá trị mà còn là nơi phong cảnh đẹp, hữu tình. Cây thuốc ở Dược Sơn được nhân dân trong vùng truyền nhau. Nghề làm thuốc ở Kiếp Bạc cũng bắt nguồn từ đây và được lưu truyền nhiều đời.
Thế nhưng theo thời gian, vườn thuốc dần bị mai một. Hiện nay, những hộ nhận khoán đất rừng khu vực vườn thuốc đã cải tạo lại, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả. Mặc dù vậy, với điều kiện đặc thù, thiên nhiên ưu đãi, nhiều loại cây thuốc trên núi Dược Sơn vẫn sinh sôi, phát triển.
Theo nghiên cứu, hiện núi Dược Sơn vẫn còn khoảng 100 loài cây có chứa vị thuốc với hàm lượng cao, nhiều nhất là các cây chó đẻ, lạc tiên, bồ giác, hà thủ ô, cỏ chỉ thiên, hoàng chỉ nam, găng trắng, mỏ quạ…
Bà Nguyễn Thị Tường, 69 tuổi ở thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo (Chí Linh) nhớ lại ngày bé, bà thường cùng đám trẻ trong làng lên núi Dược Sơn chơi, được người đi thu hái cây thuốc chỉ dạy, phân biệt nhiều cây và bài thuốc dân gian. Vì thế, tuy không theo nghề thuốc nhưng bà Tường biết tường tận từng loại cây thuốc trên núi Dược Sơn và công dụng của nó.
Bà hào hứng khoe: “Hầu hết người cao tuổi trong thôn ai cũng biết về cây thuốc. Hiện tôi vẫn lên núi lấy cây thuốc về trị ngứa, ho cho các cháu trong nhà dù cây không còn nhiều như trước. Tôi đang là thủ nhang đền Nam Đào, ngày nào cũng có mặt trên núi Dược Sơn nên rất nuối tiếc khi nơi đây đã từng là vườn thuốc quý. Tôi mong mỏi vườn thuốc sớm được khôi phục”.
Khẩn trương phục hồi
Việc phục hồi vườn thuốc Dược Sơn không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn mà còn mở ra hướng phát triển, cơ hội mới trong việc phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhất là khi khu di tích này nằm trong quần thể đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới.
Theo Quy hoạch tổng thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 18/6/2010, vườn thuốc Dược Sơn là một trong những hạng mục phải phục hồi. Tuy nhiên, do ưu tiên triển khai các công trình, hạng mục cần thiết hơn nên đến nay Dược lĩnh cổ viên vẫn chưa được khôi phục.
Đầu tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030. Trong đó, tỉnh yêu cầu phải khẩn trương tiến hành phục hồi vườn thuốc cổ Dược Sơn, chú trọng nghiên cứu, khôi phục các loại cây thuốc quý mang đặc trưng của Hải Dương nói chung và vùng núi Dược Sơn nói riêng.
Theo ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, phục hồi vườn thuốc Dược Sơn rất cấp bách. Đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng đã giao nhiệm vụ cho bệnh viện đề xuất, nghiên cứu gây dựng, phát triển những loại cây thuốc quý tại vị trí vườn thuốc Dược Sơn xưa. Bệnh viện cũng đã lên ý tưởng nhằm phát huy những giá trị của vườn thuốc xưa đặt trong bối cảnh hiện nay. Vườn thuốc Dược Sơn được phục hồi theo 3 khu vực. Đó là khu bảo tồn nhằm lưu giữ nguồn gen thuốc cổ, khác biệt vẫn còn tồn tại trên núi Dược Sơn. Khu dược liệu quý bảo tồn những loại cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng. Khu trồng cây thuốc theo tiêu chuẩn quốc tế để tham gia vào chuỗi cung ứng dược liệu toàn cầu. Có như vậy mới phát huy được những giá trị cộng hưởng gồm lịch sử, văn hoá, đông y, du lịch, kinh tế… của vườn thuốc Dược Sơn. Tuy nhiên, việc khôi phục vườn thuốc phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của tỉnh để triển khai các bước về khảo sát, đánh giá, lập dự án…
Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ khoa học năm 2025. Trong đó, có đề tài khoa học về khảo sát, nghiên cứu để vẽ bản đồ dược liệu trên địa bàn tỉnh. Ban chủ nhiệm đề tài sẽ ưu tiên rà soát cây dược liệu tại vùng núi Dược Sơn nhằm phục vụ cho việc khôi phục vườn thuốc cổ. Ngay sau khi phân tích hiện trạng, tổ chức hội thảo khoa học, cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng tới dân cư và đề xuất phương án phục hồi vườn thuốc Dược Sơn.
HOÀNG LINH - THÀNH CHUNG