Trước sự lãng phí, ô nhiễm môi trường của việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, anh Vũ Văn Duy ở huyện Bình Giang đã tìm tòi nghiên cứu để thu gom, xử lý và biến những thứ tưởng như bỏ đi thành những sản phẩm có ích, mang lại giá trị kinh tế.
Năm 2019, cơ sở của anh Duy (bên trái) cung cấp gần 180 tấn rơm cho hơn 200 trang trại khắp các tỉnh, thành phố
Có trong tay 2 tấm bằng đại học, nghề nghiệp ổn định, lương thưởng hằng tháng cũng khá nhưng anh Vũ Văn Duy, sinh năm 1989 ở thôn My Cầu, xã Tân Hồng (Bình Giang) vẫn quyết từ bỏ để đến với nghề thu gom rơm rạ.
Khởi nguồn từ những trăn trở
Sinh ra ở vùng quê có truyền thống làm nông nên tuổi thơ của anh Duy gắn liền với những cọng rơm, gốc rạ. Ngày xưa, rơm rạ dù chỉ là phụ phẩm nhưng ai cũng trân quý vì chúng còn có nhiều công dụng như làm chất đốt, thức ăn cho vật nuôi, bảo vệ cây trồng... Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, rơm rạ thường được thu gom, phơi nắng và chất đống cẩn thận ở đầu hồi hay góc vườn của mỗi hộ nông dân. Gia đình anh Duy cũng không phải ngoại lệ. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch là nhà anh lại có vài đống rơm rạ chất ở ngoài sân. Anh Duy vẫn nhớ như in những lần chơi trốn tìm, nấp mình trong rơm rạ hay những ngày mưa bão phải nhanh chóng vơ vội từng ôm kẻo ướt không có đồ đun nấu. "Ngày ấy cứ đến mùa gặt là khắp các nẻo đường làng lại được trải lên một màu vàng óng của rơm. Đi đâu cũng ngửi thấy mùi thơm ngai ngái đặc trưng từ rơm phơi", anh Duy chia sẻ.
Xã hội ngày càng phát triển, rơm rạ không còn nhiều hữu dụng như trước, đa số nông dân thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt đồng. Vốn có tiền sử bệnh hen suyễn nên anh Duy rất nhạy cảm với khói bụi, nhất là khói rơm rạ. Mỗi lần người ta đốt rơm rạ, bệnh hen suyễn lại tái phát khiến anh cảm thấy rất khó chịu. Điều đó khiến anh luôn trăn trở tìm cách để làm cho người dân thay đổi thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch. Đến khi tốt nghiệp ra trường, rồi đi làm chuyên viên IT (công nghệ thông tin) cho một doanh nghiệp có tiếng, anh Duy vẫn đau đáu nỗi niềm ấy. Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, anh say mê tìm tòi, nghiên cứu cách kiếm tiền từ rơm rạ. Sau khi tham khảo trên sách, báo, internet, anh được biết ở khu vực miền Nam, người dân thu gom rơm bằng máy cuốn. Rơm được cuộn lại thành từng khối tròn rất gọn và đẹp mắt. Thấy vậy, anh tìm cách đặt mua vài cuộn rơm để nghiên cứu. Nhận thấy nhu cầu sử dụng rơm làm thức ăn cho trâu bò ở các tỉnh, thành phía Bắc khá lớn nên từ năm 2015 anh bắt đầu liên kết cung ứng sản phẩm này cho các trang trại. Ban đầu, anh định chỉ làm cho vui nhưng đến đầu năm 2019, anh Duy quyết định bỏ nghề để theo đuổi công việc này. Anh Duy chia sẻ: “Công việc này cuốn hút tôi còn nhanh hơn cả máy cuốn rơm khi hoạt động. Phần vì tôi nhận ra tiềm năng của nghề, phần vì tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm hơn với môi trường, với bản thân và cộng đồng”.
Hiện anh Duy có 5 máy cuộn rơm phân bố ở một số tỉnh, thành phố
Dù có vóc dáng thư sinh mảnh khảnh lại mang bệnh trong người, nhưng anh Duy không quản ngại vất vả, rong ruổi khắp các cánh đồng từ Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ để mua rơm. Đa số người dân có tâm lý không dùng đến nhưng khi có người hỏi mua thì lại tiếc nên lúc đầu anh cũng khó thuyết phục. Đến khi nhận được cái gật đầu của chủ ruộng thì anh lại phải tính toán, xem xét chân ruộng, chất lượng rơm để quyết định giá mua và cách thu gom. Theo anh Duy, mỗi sào ruộng chỉ thu được từ 3-5 cuộn rơm có trọng lượng từ 13-15 kg/cuộn. Rơm đẹp anh bán cho các trang trại làm thức ăn cho trâu bò, còn rơm xấu bán cho các hộ làm giá thể trồng nấm, ủ phân hữu cơ, nuôi giun quế. Với giá bán từ 27.000-30.000 đồng/cuộn, anh Duy thu lãi vài triệu đồng mỗi ngày. Hiện nay anh liên kết với những chủ máy gặt từ miền Trung trở ra để thuận tiện cho việc thu gom rơm. Nếu giai đoạn 2015-2017, sản lượng rơm được anh Duy thu gom và bán ra chỉ khoảng 30 tấn, thì đến năm 2019 cơ sở của anh đã cung cấp gần 180 tấn rơm cho hơn 200 trang trại khắp các tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung.
Để thuận tiện cho việc thu mua rơm rạ của người dân, anh Duy đã bố trí 5 máy cuộn rơm ở nhiều tỉnh, thành như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương. Anh còn xây dựng 3 nhà kho với tổng diện tích trên 1.000 m2 có thể chứa được khoảng 20.000 cuộn rơm. Nguồn nhân lực cũng được anh lựa chọn kỹ, bởi công việc thu gom rơm đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe, sự kiên trì, bền bỉ vì có khi phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Hiện nay anh Duy tạo việc làm cho 10 công nhân làm việc thường xuyên và hàng chục công nhân thời vụ với mức lương từ 5-10 triệu đồng/tháng. Để chủ động nguồn nguyên liệu, anh Duy đã trực tiếp làm hợp đồng thu mua rơm rạ với người nông dân, trong đó tập trung vào những người tích tụ ruộng đất với số lượng lớn tại các tỉnh, thành thuộc Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
Không chỉ thu gom rơm, anh Duy cũng đang phát triển sản phẩm rạ băm để cung cấp cho người nuôi rươi, cáy ở trong và ngoài tỉnh. Rạ phân hủy làm tăng mùn, giúp đất tơi xốp, tạo môi trường thuận lợi cho rươi, cáy sinh sôi, phát triển. Rơm rạ chỉ có theo mùa, thu hoạch lúa xuân chỉ diễn ra trong vòng từ 10-15 ngày nên anh Duy phải chạy đua với thời gian để có thể gom đủ số lượng cho các đơn hàng. Còn vụ mùa tuy có thư thả nhưng cũng chỉ kéo dài hơn một tháng nên anh Duy đang nuôi ý tưởng sản xuất và tiêu thụ thêm các sản phẩm từ cỏ tranh, vốn là loại cây mọc dại ở nhiều miền quê.
Ngoài rơm rạ anh Duy còn đang thu mua cỏ tranh khắp nơi để sản xuất tấm lợp
Bước đi đầy táo bạo
Dù đã có được những thành công bước đầu nhưng anh Duy vẫn chưa bằng lòng với kết quả đạt được. Anh luôn ấp ủ ý tưởng sẽ biến rơm rạ vốn được coi là bình thường, thậm chí là tầm thường thành những sản phẩm có giá trị cao. Sau mỗi mùa vụ kết thúc, đầu óc anh lại bận bịu cho những ấp ủ, dự định mới. Nắm bắt được xu hướng thị trường ngày càng muốn gần gũi với thiên nhiên, với những đồ vật bình dị mang dáng dấp làng quê của một bộ phận người dân, anh Duy đã nghiên cứu sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ rơm rạ.
Nhận thấy rơm rạ có tính chất dẻo dai, bền đẹp và thân thiện với môi trường nên anh Duy đã nghiên cứu và đặt hàng mua máy cuộn rơm thành các sợi nhỏ, kết thành từng dây. Những dây rơm này chính là nguyên liệu làm nón, mũ, túi xách... Anh còn dệt rơm thành các tấm làm thảm, tranh treo tường hay đồ vật trang trí trong nhà. Do đồ thủ công đòi hỏi phải có sự bắt mắt, độ bền cao nên anh chọn đặt mua rơm nếp. "Ở nhiều nước phát triển họ đã có công nghệ biến rơm rạ thành các sợi nhỏ, làm ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong khi đó, rơm rạ là nguồn tài nguyên dồi dào ở nước ta nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Trước mắt tôi sẽ tập trung phát triển các đồ thủ công mỹ nghệ làm từ rơm rạ để hướng tới thị trường nước ngoài", anh Duy chia sẻ.
Hiện nay ngoài rơm rạ, anh Duy còn đang thu mua cỏ tranh khắp nơi để sản xuất tấm lợp. Theo anh Duy trong các loại lá mà người dân thường dùng để lợp nhà như cọ, mây... thì cỏ tranh là tốt nhất vì lá dài, cứng, bền, dễ kết thành từng tấm để lợp. Nhu cầu vật liệu làm nhà theo phong cách cổ xưa hiện rất lớn, trong khi nguồn cỏ tranh chưa đáp ứng kịp. Không chỉ người dân mà các khu nghỉ dưỡng, làng văn hóa truyền thống đều có nhu cầu mua vật liệu như cỏ tranh, tre nứa, mây... để dựng nhà bởi đây là những vật liệu đậm chất hồn quê, đơn giản nhưng tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cao, tạo ấn tượng về kiến trúc, cảnh quan. Cỏ tranh còn phù hợp với nhiều lối thiết kế, phong cách khác nhau, từ truyền thống đến hiện đại.
Những sản phẩm thủ công của anh Duy không chỉ được khách hàng trong nước ưa chuộng mà còn chiếm được thiện cảm của bạn hàng quốc tế. Hiện anh đã ký kết hợp đồng cung cấp dây tết từ rơm cho đối tác Nhật Bản. Anh dự định thời gian tới sẽ tập trung phát triển sản phẩm này vì nhu cầu thị trường lớn và mang lại giá trị kinh tế cao. Anh Duy tự hào nói: "Giờ đây tôi đã hiện thực hóa được mong ước bấy lâu là biến rơm rạ từ phế phẩm trở thành những sản phẩm có ích. Công việc này không chỉ giúp tôi có thu nhập ổn định, mà tôi còn thấy vui hơn vì đã làm được việc có ích dù biết rằng số rơm rạ thu gom được chưa nhiều so với thực tế".
Khi được hỏi về những tính toán cho chặng đường phía trước, anh Duy hướng mắt về cuộn rơm vàng óng được xếp ngay ngắn trong kho nói: "Chừng nào còn đồng ruộng, người dân còn gieo cấy thì tôi còn gắn bó với công việc này. Với tôi, đây là cái nghiệp chứ không chỉ là nghề kiếm tiền nữa. Rồi một ngày không xa, tôi tin rằng trên các cánh đồng sẽ không còn hình ảnh đốt rơm rạ mà thay vào đó là những máy cuốn rơm hoạt động hết công suất, trả lại không khí trong lành cho các làng quê".
NGUYỄN MƠ-ÐỖ QUYẾT