Khởi nghiệp từ củ ngưu bàng

06/04/2021 15:09

Mặc dù là tay ngang nhưng bằng sự nỗ lực, tâm huyết với nông nghiệp, anh Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp SenFarm (TP Hải Dương) đã đưa củ ngưu bàng - đặc sản của Nhật Bản bén rễ đồng đất Hải Dương.


Anh Hà (thứ hai từ trái sang) chia sẻ kinh nghiệm trồng ngưu bàng với những hộ dân trong vùng

Anh Hà từng là nhân viên văn phòng với mức lương ổn định nhưng lại có niềm yêu thích đặc biệt với nghề nông. Càng tìm hiểu, anh càng trăn trở về những hạn chế trong sản xuất và tiêu thụ đã tồn tại quá lâu của ngành. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh thường tham gia hội thảo về nông nghiệp tổ chức ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ duyên đến vào năm 2017 khi anh có dịp được gặp gỡ đối tác Nhật Bản chuyên về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sau 6 tháng trao đổi thông tin, anh quyết định nghỉ việc văn phòng để chuyên tâm làm nông nghiệp. Sau khi khảo sát thực tế điều kiện canh tác tại tỉnh, củ ngưu bàng chính là sản phẩm mà công ty bên Nhật Bản muốn anh Hà phát triển.

Anh Hà thành lập HTX, thuê 5 ha đất ngoài bãi sông Thái Bình ở xã Thái Tân (Nam Sách) để khởi nghiệp. Thời gian đầu, mặc dù đã tìm hiểu kỹ lưỡng về loại cây này song anh Hà vẫn không khỏi bỡ ngỡ bởi đây là giống mới, kỹ thuật trồng cũng khác so với những cây truyền thống của địa phương. Theo anh Hà, ngưu bàng là giống cây tương đối dễ tính, chỉ vất vả ở giai đoạn cây con, còn khi đã trưởng thành thì chỉ cần đợi thu hoạch, không phải mất công chăm bón. Nhờ kiên trì vừa học vừa làm, cây ngưu bàng đã sinh trưởng thuận lợi trước sự ngạc nhiên của người dân vì ở đây họ chỉ quen trồng cà rốt. Thu hoạch ngưu bàng cũng khác biệt, vì củ ăn sâu dưới đất, có củ dài tới 1,2 m nên phải dùng máy xúc hỗ trợ. Phải mất 6 tháng ngưu bàng mới cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế lại cao gấp 4-5 lần so với cây cà rốt - vốn là giống cây giá trị cao tại địa phương. Anh Hà cung cấp củ ngưu bàng tươi cho các cửa hàng nông sản cao cấp tại Hà Nội và những đơn vị sản xuất thực phẩm thực dưỡng với giá từ 100.000-150.000 đồng/kg.

Khi đã thành công, anh Hà sẵn sàng giúp đỡ người dân trong vùng tiếp cận với loại cây trồng mới này. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của anh mà một số hộ đã chuyển từ trồng cà rốt sang ngưu bàng. Bà Nguyễn Thị Đào ở thôn Mạc Bình, xã Thái Tân trồng ngưu bàng được 2 vụ và rất hài lòng về loại cây này. Bà cho biết: "Mỗi sào ngưu bàng tôi thu lãi thấp nhất 30 triệu đồng. Trồng cây này dù giá hạt giống cao nhưng đổi lại không tốn chi phí phân bón, thuốc sâu. Tôi cũng không phải lo đầu ra vì có anh Hà giúp tiêu thụ. Mặt khác, ngưu bàng trồng được quanh năm, không phải theo thời vụ, cũng thuận hơn trong việc luân canh cây trồng".

Có thị trường tiêu thụ ổn định, anh Hà vẫn chưa bằng lòng với những gì đạt được bởi hàng bán ra mới chỉ là sản phẩm thô, hiệu quả có cao hơn các cây trồng khác nhưng chưa thể bằng được giá trị vốn có của loại cây này. Nghĩ là làm, anh bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu để chế biến trà ngưu bàng, bánh đa ngưu bàng. Ấn tượng hơn, HTX của anh là đơn vị duy nhất của Việt Nam sản xuất ngưu bàng đen bằng phương pháp lên men tự nhiên. Đã làm chủ được kỹ thuật canh tác, chế biến nên điều anh Hà lo ngại hiện tại là xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. "Tôi vẫn luôn trăn trở về hạ tầng sản xuất. Chỉ khi có hạ tầng tương xứng thì mới làm ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Nếu như mình tôi đầu tư thì không kham nổi. Vì thế cần có sự hỗ trợ, giúp sức từ nhiều phía", anh Hà bày tỏ.

Thời gian tới, ngoài cây ngưu bàng, anh Hà sẽ tìm hiểu và theo đuổi nông nghiệp hữu cơ, nhưng thay vì chỉ chú tâm tới sản xuất anh sẽ tập trung đầu tư cho chế biến sâu, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế của sản phẩm nông nghiệp.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi nghiệp từ củ ngưu bàng