Phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" giống như chất xúc tác khơi dậy khả năng sáng tạo của người lao động, đem lại lợi ích thiết thực cho các cơ quan, đơn vị.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trao bằng khen cho công nhân, lao động có nhiều sáng kiến trong sản xuất
Thời gian qua, các cấp công đoàn ở Hải Dương đã tích cực triển khai phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Lan tỏa sâu rộng
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh xác định rõ phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn. Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã có nghị quyết về đổi mới công tác chỉ đạo phong trào, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu các đề tài khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có tác dụng tích cực trong cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, từng bước ổn định và cải thiện đời sống của người lao động (NLĐ).
LĐLĐ tỉnh cùng với Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh xây dựng tiêu chuẩn, cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá sự sáng tạo trong xét công nhận các danh hiệu thi đua như lao động giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, Chủ tịch Công đoàn giỏi, NLĐ đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”… Trên cơ sở đó, các cấp công đoàn căn cứ vào đặc điểm và điều kiện của từng đơn vị, cụ thể hóa thành tiêu chuẩn phù hợp với địa phương, ngành, cơ sở. LĐLĐ tỉnh còn lấy kết quả của phong trào này là một trong những tiêu chí chấm điểm thi đua hằng năm đối với công đoàn cấp dưới.
Các cấp công đoàn trong tỉnh đã ra lời kêu gọi: "Mỗi người hãy đề xuất được ít nhất 1 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, công trình, tiết kiệm vật tư, nguyên nhiên liệu, hạ giá thành sản phẩm, giảm thời gian và tiến độ thi công" để đưa phong trào đi vào thực tiễn. Nội dung lời kêu gọi nhanh chóng trở thành việc làm nền nếp và thường xuyên tại các công đoàn cơ sở.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh tích cực phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát, lựa chọn các đề tài, giải pháp có hiệu quả kinh tế - xã hội cao tham gia các hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và toàn quốc. Các công đoàn cơ sở cũng thường xuyên tổng hợp, đề nghị chủ sử dụng lao động khen thưởng cho NLĐ có sáng kiến hữu ích. Nhờ vậy, đã kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, khuyến khích người lao động tích cực tham gia phong trào.
Lợi ích lớn
Đề tài “Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa tại tỉnh Hải Dương” của chị Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngoài cùng bên trái) đã làm lợi 4,3 tỷ đồng
Phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" giống như chất xúc tác khơi dậy khả năng sáng tạo của NLĐ. Từ các cơ quan, đơn vị đến các nhà máy, xí nghiệp... NLĐ ra sức thi đua, đưa ra nhiều sáng kiến, đề tài hay, đem lại lợi ích thiết thực. Trong 5 năm qua, đã có hơn 31.000 lượt công nhân, viên chức, lao động trong toàn tỉnh có sáng kiến cải tiến kỹ thuật với tổng giá trị làm lợi trên 900tỷ đồng. Với số sáng kiến trên, NLĐ đã nhận được tổng số tiền thưởng lên đến gần 20 tỷ đồng. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tặng Bằng công nhận và Huy hiệu Lao động sáng tạo cho 35 cá nhân của Hải Dương.
Đề tài “Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa tại tỉnh Hải Dương” của chị Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mang lại giá trị làm lợi 4,3 tỷ đồng. Đề tài đưa ra giải pháp gieo mạ khay và cấy máy thay thế phương pháp gieo cấy thủ công truyền thống, giúp nông dân khắc phục được ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, chủ động được thời vụ và giảm chi phí sản xuất. Việc cấy bằng máy còn tạo điều kiện thuận lợi thực hiện mô hình “một vùng, một giống, một thời gian” và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Với đề tài này, chị Hà đã giành giải B Giải thưởng Khoa học, công nghệ Côn Sơn Hải Dương lần thứ IV và Giải Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước năm 2017.
Chị Trần Thị Thoa, nhân viên Công ty CP May Thiên Tân (Nam Sách) có giải pháp thiết kế bộ cữ giá dùng để bổ túi, bổ cổ, quay cổ, nẹp áo... Khi chị Thoa chưa có sáng kiến này, công ty phải đầu tư các thiết bị giá khoảng 500 triệu đồng, đồng thời phải sử dụng nhiều nhân công thao tác nhưng sản phẩm làm ra hay bị lỗi. Sáng kiến của chị Thoa đã giúp công nhân may bỏ qua được nhiều thao tác thủ công, không cần tập trung cao trong quá trình may các công đoạn phức tạp, nhưng sản phẩm được tạo ra luôn chính xác và đẹp hơn. Qua 2 năm áp dụng, Công ty CP May Thiên Tân đánh giá giải pháp đã giúp tiết kiệm gần 230 triệu đồng/năm.
Làm theo lời Bác: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua" và cũng là để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong thời kỳ hội nhập, thời gian tới công đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo".
NGỌC THANH