Khói bếp chiều hôm

30/05/2013 13:18

Có lẽ trong tiềm thức mỗi người đều dành một khoảng để nhớ về bếp lửa gia đình. Tôi cũng vậy. Từ thuở nhỏ, tôi đã quẩn quanh chân mẹ, chân bà để lê la góc bếp. Ngày ấy nhà tôi còn nghèo nên bếp chỉ đơn giản là chiếc kiềng ba chân đã cũ mòn, xung quanh phải xếp đầy gạch vì sợ chiếc kiềng có thể bị gãy bất cứ lúc nào. Nhưng chính từ căn bếp đơn sơ ấy, tuổi thơ yên ả và ấm áp của tôi đã được ấp ủ lớn lên.


Dường như tôi đã bị nghiện mùi khói bếp. Mùi khói nồng cay như nhắc nhở về sự yên bình và tình thân ấm áp. Những bữa cơm chiều đạm bạc nhưng mùi khói rơm rạ lại gợi lên sự no đủ khiến tuổi thơ tôi không ý thức được những đói nghèo. Tôi nhớ những buổi chiều sẩm tối, bà tôi lưng đã còng chậm rãi ra vào quanh góc bếp. Bên nồi cơm, ấm nước hay nồi cám lợn đang sôi, bà đã kể cho tôi nghe biết bao câu chuyện, từ đời thường đến cổ tích. Ánh lửa bập bùng réo quanh nồi đã cho tôi bao nhiêu tưởng tượng về những điều xa xôi. Lửa vẽ ra cho tôi những chân trời mới, thế giới mới mà ở đó mọi thứ đều thuận theo những suy tưởng của tôi. Thi thoảng lửa tắt bà lại khom người thổi, khói làm cay đôi mắt mờ đục của bà. Mắt tôi cũng bất chợt rưng rưng.

Tôi thích thú khi được nghe tiếng nổ lép bép của hạt thóc còn vương lại trên rơm rạ. Mẹ cời than bới tìm cho tôi những hạt bỏng thơm giòn. Món quà con trẻ mà bếp lửa đem lại cho tôi chính là những củ khoai, củ sắn, bắp ngô thơm lừng mẹ lùi trong than nóng. Tôi xuýt xoa hít hà vừa thổi vừa ăn để rồi chẳng biết từ bao giờ điều đó đã trở thành mùi vị tuổi thơ. Tuổi thơ của mỗi người được dệt nên bằng nhiều thứ. Còn tuổi thơ tôi được dệt nên bởi khói bếp chiều hôm. Từng sợi khói mong manh là thế nhưng cũng đủ để ấp ủ cho tôi lớn lên trong ấm áp, yêu thương.

Từ xa xưa, cái thuở hồng hoang mông muội, thuở con người còn ăn lông ở lỗ, sống theo bầy đàn thì lửa đã xuất hiện thúc đẩy quá trình tiến hóa hàng nghìn năm của loài người. Cho đến ngày nay, triệu triệu năm đã qua, lịch sử loài người đã qua nhiều biến động và đổi thay thì lửa vẫn luôn tồn tại bất biến trong đời sống con người. Không đơn thuần chỉ là nhu cầu cuộc sống, lửa đã trở thành biểu tượng văn hóa của con người, đặc biệt là với người Á Đông. Thế nên bao đời nay, hình ảnh bếp lửa không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Bếp lửa tượng trưng cho sự sum vầy, ấm áp và yêu thương của mỗi gia đình.

Tôi lớn lên trong mùi khói bếp và rồi cũng dần xa mùi khói bếp. Nơi đô thành, căn bếp đầy khói của tôi đã được thay thế bằng bếp ga, bếp điện tiện nghi. Cuộc sống vội vã cuốn tôi đi, nhiều khi tôi không còn nhớ rằng, mình đã từng lớn lên từ căn bếp đầy khói. Chỉ khi đi ngang qua một miền quê nào đó vào buổi chiều, từng cuộn khói màu lam len lỏi qua những mái lá bay lên tôi mới giật mình nhận ra mình đã từng gắn bó cả thời thơ ấu với mùi khói bếp. Mẹ tôi từng nói, là người phụ nữ phải biết giữ cho căn bếp nhà mình luôn sáng lửa và ấm áp. Tôi đã từng rất mơ hồ không hiểu điều đó. Giờ nhận ra tôi mới hiểu hết những lo toan cực nhọc của mẹ, của bà và bao người phụ nữ quê tôi. Để những đứa con lớn khôn, để gia đình luôn là điểm tựa ấm áp cho mỗi người thì bếp lửa chính là nơi bắt đầu. Tôi muốn tìm về nơi bắt đầu ấy để gom lại từng sợi khói bếp tuổi thơ sưởi ấm cho tâm hồn mình sau những ngày xa quê.

Tản văn của NGUYỄN THỊ KIM NHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khói bếp chiều hôm