Từ ngày lấy anh, chị toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, gần như cắt đứt các mối quan hệ bạn bè.
Chị sống khép mình, quanh quẩn với cơm nước, chợ búa, đưa đón con đến trường và làm việc hành chính ở cơ quan gần nhà. Hằng năm cơ quan tổ chức cho nhân viên đi du lịch vào dịp hè chị cũng lấy cớ say xe không đi. Hiếm khi chị ra khỏi huyện và cũng không dùng Zalo hay Facebook để kết nối với thế giới bên ngoài. Đột nhiên gần đây chị thay đổi khiến anh không hiểu. Lúc đầu anh còn lặng lẽ quan sát vợ. Nhưng khi thấy chị thường xuyên hẹn hò, hết họp lớp cấp ba lại họp lớp đại học, rồi đi uống cà phê, hát karaoke với chị em cùng phòng vào mỗi dịp cuối tuần; rồi chị thay điện thoại “cục gạch” bằng chiếc iPhone mới tinh để lướt mạng và học cách sử dụng các tính năng hiện đại của nó thì anh không hài lòng, tỏ ra giận dỗi. Anh nghi ngờ chị có ai đó ở bên ngoài. Không khí gia đình bắt đầu căng thẳng.
Anh quen với việc về nhà là thấy chị và không muốn chị ra khỏi nhà, trừ những lúc đi làm và có công có việc. Gần hai mươi năm nay chị ngoan hiền như thế, răm rắp như thế nên anh quen rồi. Con cái một tay chị chăm. Bố mẹ già cũng một tay chị lo liệu. Chị hy sinh cả sở thích của mình để chu toàn như ý anh. Anh chỉ việc hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, về nhà đã có cơm ngon canh ngọt dọn sẵn. Vậy mà giờ đây, ngoài bốn mươi tuổi, chị lại muốn giao lưu, muốn đi đó đi đây thì anh không đồng ý. Anh bảo chị “giở chứng”. Chị phản ứng mãnh liệt: “Con lớn rồi, em cũng cần có khoảng trời riêng, cũng cần có bạn có bè, đi chỗ này chỗ kia, chứ cứ ru rú ở nhà chả mấy mà già. Đời người được bao nhiêu mà phải khổ”. Anh tỏ ra khó chịu: “Thế từ trước đến nay em sống thế là khổ à? Anh chỉ muốn nhắc em là hãy chọn bạn mà chơi, hội hè cũng vừa phải thôi. Già đến nơi rồi còn tí tởn. Không khéo lại bị lừa”. Chị rơm rớm nước mắt vì thấy chồng không hiểu mình, không vì mình.
Trong khi hai đứa con cứ động viên mẹ chịu khó đi du lịch, làm đẹp, thư giãn, bạn bè thì nhắc chị phải chăm chút cho bản thân để theo kịp thời đại, kẻo thành người lạc hậu thì anh chỉ muốn giữ chị khư khư ở nhà để trở thành “người cổ”. Hễ chị đi xa một mình là anh không yên tâm. Anh nhắn tin liên tục, những tin nhắn dài tràng giang đại hải, mục đích để chị nóng ruột mà trở về ngay. Có lần, chị chẳng muốn đọc. Chị muốn thảnh thơi để quên đi những mệt nhọc trong người. Về nhà, kiểu gì anh cũng tra khảo, nào là: “Em đi những đâu? Đi với ai?”. Rồi anh mỉa mai: “Ra khỏi nhà vui nhỉ?”. Chị không nói gì, lặng lẽ vào phòng thay đồ. Anh càng nghi ngờ, càng tức giận.
Giữa tuần mà chị cũng xin nghỉ để bắt xe đi Hà Nội chơi, để gặp mấy đứa bạn ở trọ cùng hồi học đại học. Anh không tin lời chị. Đến nước này thì anh không thể để yên được nữa. Anh muốn làm rõ trắng đen để khỏi phải sống trong tâm trạng hoài nghi. Anh cũng xin nghỉ làm, bí mật thuê xe bám theo xe khách chở chị. Chị không gặp bạn nào cả. Chị xuống xe bước vào cổng bệnh viện K. Tim anh đập thình thịch. Anh tưởng mình sắp nghẹt thở. Đầu anh như muốn nổ tung: “Thế này là thế nào?”. Anh nghĩ đến tình huống chị đi thăm ai đó để trấn tĩnh bản thân. Nhưng không phải, chính chị đi vào phòng khám. Anh chờ chị ngoài hành lang bệnh viện mà chị không hề hay biết. Rất lâu sau, chị đi ra với gương mặt thất thần. Anh chạy lại, nắm chặt bàn tay chị, thảng thốt: “Sao em lại nói dối anh? Sao em lại giấu anh?”. Chị gục vào vai anh òa khóc nức nở. Hết cơn xúc động, chị mới thanh minh: “Vì em không muốn anh và cả nhà lo lắng. Em không sao đâu. Bác sĩ bảo bệnh của em mới ở giai đoạn đầu thôi. Tinh thần thoải mái thì sẽ khỏi”.
Đến lúc ấy anh mới hiểu “khoảng trời riêng” của chị vẫn là những hy sinh thầm lặng cho gia đình, cho chồng con. Từ nay chị sẽ không phải chiến đấu một mình với bệnh tật nữa bởi đã có anh đồng hành.
TRẦN THỊ LÀNH