Giáo sư - viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, người làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) là một nhà khoa học đa tài.
Ngoài phát minh nhiều công trình khoa học về gen các giống lúa, giống cây ăn quả và hơn 50 đề tài cấp Nhà nước… ông còn viết văn, làm thơ và hội họa. Còn nhớ Tết Mậu Tý 2008 trong chuyến về quê lễ giỗ tổ họ Vũ, trở lại Hà Nội, khi đến cầu Cậy gặp một người nông dân bán hoa, ông bảo dừng xe và xuống mua. Nghe người nông dân cảm thán, giá hoa rẻ quá, chẳng được là bao. Thế là, ông mua cả gánh hoa cho người nông dân nọ. Và, gánh hoa cúc vàng là màu chủ đạo để ông sáng tác bức tranh nổi tiếng “Hoa cúc” tặng vợ là tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Nga trước khi ra đi ở tuổi Mậu Tý, trong lúc sự nghiệp khoa học đang chín.
Sinh ra trong một gia đình trí thức hiện đại, cha là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học dân gian Vũ Ngọc Phan, mẹ là nữ thi sĩ Hằng Phương, có chị gái là họa sĩ Vũ Giáng Hương, nguyên Tổng thư ký Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, giáo sư - viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đã thành đạt và phát triển tới đỉnh cao của sự nghiệp khoa học nước nhà. Ông được phong học vị viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba, gồm các nước phát triển. Là nhà quản lý giỏi, ông từng giữ chức vụ Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm - cái nôi sản xuất ra các gen giống lúa, giống cây ở Việt Nam và đào tạo ra nhiều nhà khoa học, đưa nước ta trở thành một nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Còn nhớ, cũng vào dịp Tết Kỷ Mão 1999 cách đây 20 năm, trong chuyến tác nghiệp tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện cuộc phỏng vấn thu thanh - ghi hình, giáo sư - viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng làm việc suốt cả đêm để kịp phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình tỉnh, giúp nông dân khắc phục lúa bị già ống, trỗ sớm mất mùa.
Khoảng 5 giờ sáng hôm sau, trong lúc chuẩn bị bay chuyến bay sang Philippin tới Viện lúa Quốc tế, dự cuộc họp với Tổ chức Lương thực Thế giới (PAO), giáo sư - viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng gọi điện cho tôi, với giọng nhỏ nhẹ: “Mình đã nghe và xem đoạn băng phỏng vấn qua Đài Tiếng nói Việt Nam, đài tỉnh. Nói chung rất tốt! Mong đài phát lại nhiều lần để bà con nông dân nghe và xem được, mà áp dụng trên đồng ruộng”.
Cũng xuân năm ấy, trên các cánh đồng của huyện Gia Lộc, Ninh Giang người nông dân vui mừng chăm bón vụ thứ hai, sau khi đã thu hoạch thắng lợi vụ trước giống lúa giàu protein, giàu đạm, có giá trị xuất khẩu cao là: P5, P6 mà giáo sư - viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng làm chủ đề tài. Ông nói: “Người nông dân không chỉ ăn no, mặc đủ, còn mong muốn ăn ngon, mặc đẹp, mà nhà khoa học có trách nhiệm đáp ứng !”.
Thấm thoát đã mười mùa xuân, giáo sư - viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng ra đi, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã tròn 50 tuổi. Nửa thế kỷ của một Viện khoa học đang sung sức, khi cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ tư với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm, tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đây đoạn băng ghi âm giọng nói trầm ấm, đầy sức sống của Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng: “Với các nhà khoa học - lúc nào cũng là mùa xuân!”.
TRẦN LƯU LOÁT (CLB nhà báo cao tuổi Hải Dương)