Miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS, phụ huynh chưa hết lo

08/10/2021 10:30

Nghị định 81/2021/NĐ-CP đề ra lộ trình cụ thể về việc miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS. Đây là tin vui đối với nhiều bậc phụ huynh, nhất là những gia đình khó khăn.


Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025-2026. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc) 

Song vẫn còn những băn khoăn về quy định mới này. 

Học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025-2026

Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10 tới.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của nghị định là quy định miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS. Cụ thể, tại khoản 6 và khoản 9, điều 15 của nghị định quy định trẻ mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024-2025; học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025-2026. 

Ông Trần Quang Lưu ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) có 2 người cháu nội đang học mầm non và tiểu học. Bố mẹ các cháu không ở với nhau, các khoản tiền đóng học do bố các cháu lo liệu. Ông Lưu bày tỏ: “Chúng tôi rất mừng khi Nhà nước có những chính sách chăm lo, miễn giảm học phí cho học sinh, việc này chia sẻ một phần gánh nặng với nhiều gia đình”. 

Ông Ngô Thành Nhuân, Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Quốc (Ninh Giang) cho rằng quy định miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS là một chính sách nhân văn thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác giáo dục phổ thông. Việc miễn học phí đối với học sinh THCS sẽ góp phần huy động được học sinh đến trường, nhất là những vùng khó khăn.

Khung học phí có sự điều chỉnh

Bên cạnh sự đồng tình đối với việc miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS, nhiều phụ huynh cho rằng số tiền học phí đóng góp hằng năm không nhiều bằng các khoản đóng góp khác như tiền ủng hộ, quỹ lớp, quỹ trường, phí vệ sinh, thiết bị dạy học… Hơn nữa, những khoản này mỗi nơi thu một mức, không có quy định chung. Vì vậy, điều mà phụ huynh quan tâm không chỉ là việc miễn học phí mà là việc giảm các khoản đóng góp.

Có ý kiến cho rằng dù đã có lộ trình cụ thể về thời gian được miễn học phí nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, việc triển khai việc miễn học phí có thực hiện đúng theo lộ trình hay không còn căn cứ vào tình hình thực tế. Hơn nữa, cho đến khi chính sách mới về miễn học phí cho học sinh mầm non và THCS được áp dụng, học sinh THCS vẫn phải đóng học phí theo quy định. Theo khoản 1, điều 9 của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, khung học phí năm học 2021-2022 được quy định căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, HĐND cấp tỉnh quy định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí do HĐND cấp tỉnh đã ban hành năm học 2020-2021 đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Tại Hải Dương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản về việc tổ chức các hoạt động đầu năm học 2021-2022, trong đó có nội dung hướng dẫn việc thu học phí đối với các trường. Theo đó, giữ nguyên mức thu học phí như năm học 2020-2021.   

Trước đây, mức thu học phí không được phân ra theo các cấp học mà chỉ chia theo khu vực. Cụ thể, khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà từ cấp mầm non và giáo dục phổ thông công lập ở khu vực miền núi là 8-60 nghìn đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn 30-120 nghìn đồng/học sinh/tháng; khu vực thành thị 60-300 nghìn đồng/học sinh/tháng. 

Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm. 

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, kể từ năm học 2022-2023, khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau: đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, mức thấp nhất từ 50-110nghìn đồng/học sinh/tháng (vùng dân tộc thiểu số và miền núi), 100-220 nghìn đồng/học sinh/tháng (nông thôn), 300-540 nghìn đồng/học sinh/tháng (thành thị). Ở cấp THCS từ 50-170 nghìn đồng/học sinh/tháng (vùng dân tộc thiểu số và miền núi), 100-270 nghìn đồng (vùng nông thôn) và 300-650 nghìn đồng (thành thị). Ở cấp THPT từ 100-220 nghìn đồng/học sinh/tháng (vùng dân tộc thiểu số và miền núi), 200-330 nghìn đồng (nông thôn) và 300-650 nghìn đồng (thành thị). 


HN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS, phụ huynh chưa hết lo