Khu vực này đã được giao cho Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch và Công ty Xi-măng Phúc Sơn từ năm 2009. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải phóng được mặt bằng...
Nhiều hạng mục công trình của kho xăng dầu A318 đã xuống cấp
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng (GPMB) mỏ đá vôi khu vực kho xăng dầu A318, bàn giao cho Công ty Xi-măng Phúc Sơn khai thác phục vụ sản xuất xi-măng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Kéo dài nhiều nămKho xăng dầu A318 hiện nay thuộc Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 (Công ty Xăng dầu B12) được đưa vào sử dụng từ năm 1988. Kho được xây dựng trên diện tích 252.022 m2, bao gồm trụ sở văn phòng, 10 bế chứa xăng dầu (2.000 m3/bể) trong hệ thống hang ngầm nhân tạo, hệ thống đường ống công nghệ và trạm bơm xăng dầu liên kết từ kho bể tới tuyến ống xăng dầu B12... Đây là công trình an ninh quốc gia, đầu mối xăng dầu của miền Bắc. Ngoài nhiệm vụ chứa hàng và bơm chuyển cho tổng kho Thượng Lý (Hải Phòng), kho xăng dầu A318 còn có nhiệm vụ giữ hàng dự trữ quốc gia.
Từ năm 2006, Công ty TNHH một thành viên Xi-măng Vicem Hoàng Thạch đã có văn bản trình Tổng Công ty Xi-măng Việt Nam và Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam về việc xin khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi-măng tại khu vực Áng Dâu có diện tích đất của Kho xăng dầu A318. Năm 2007, Công ty Xi-măng Hoàng Thạch và Công ty Xăng dầu B12 đã thống nhất về chủ trương khai thác đá vôi tại khu vực kho A318 để trình 2 tổng công ty các bước tiếp theo. Khi Công ty Xi-măng Hoàng Thạch tiến hành các thủ tục khảo sát trữ lượng đá vôi và xin cấp phép thì do có các ý kiến từ Bộ Quốc phòng về việc khai thác sử dụng kho xăng dầu A318 nên việc cấp phép này bị tạm dừng và chờ có ý kiến quyết định của Chính phủ. Ngày 20-11-2008, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản về việc khai thác đá vôi tại khu vực kho xăng dầu A318. Tiếp đó, ngày 17-4 và 15-5-2009, UBND tỉnh đã có Văn bản số 535 và số 683/UBND-VP về việc giao khai thác đá vôi tại khu vực này cho 2 công ty Xi-măng Hoàng Thạch và Phúc Sơn. Ngày 6-8-2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 2814/BTNMT-ĐCKS trình Chính phủ đề nghị cho phép Công ty Xi-măng Phúc Sơn khai thác đá vôi tại khu vực A318. Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp giải quyết ranh giới giao đất, giao sản lượng đá vôi cho 2 công ty trên. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc, Công ty Xi-măng Phúc Sơn và Công ty Xi-măng Hoàng Thạch vẫn không thống nhất được trách nhiệm chi trả đền bù.
Theo Quyết định số 2933/QĐ-UBND ngày 5-12-2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thực hiện GPMB mỏ đá vôi khu vực kho xăng dầu A318, kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các gia đình, cá nhân là 8 tỷ 150 triệu đồng; bồi thường di chuyển mộ 17 tỷ 955 triệu đồng; bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Xăng dầu B12 70 tỷ 670 triệu đồng; hỗ trợ cho UBND thị trấn Minh Tân hơn 1 tỷ 292 triệu đồng; kinh phí phục vụ công tác GPMB hơn 1 tỷ 961 triệu đồng. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ để GPMB mỏ đá vôi khu vực kho xăng dầu A318 hơn 100 tỷ đồng do Công ty Xi-măng Phúc Sơn và các doanh nghiệp liên quan chi trả.
Chậm định giá tài sảnDo đã có chủ trương bàn giao mỏ đá vôi của Nhà nước nên suốt trong những năm qua, kho xăng dầu A318 không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Hiện tại, kho chỉ còn lại 9 cán bộ, nhân viên bảo vệ và vận hành hệ thống. Hiện nay, nhiều hạng mục công trình của kho đã xuống cấp, không còn sử dụng. Ông Tăng Văn Trồi, Giám đốc Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 kiến nghị: "Các cấp, ngành, địa phương sớm thực hiện GPMB bàn giao mỏ đá vôi cho đơn vị khai thác theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Cứ để kéo dài như hiện nay thì tài sản của xí nghiệp ngày một xuống cấp, trong khi chúng tôi không thể đầu tư sửa chữa nên khó bảo đảm an toàn".
Theo UBND huyện Kinh Môn, huyện đã thành lập Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để GPMB. Phần công trình nổi đã được hội đồng kiểm kê xác định khối lượng và lập phương án bồi thường xong toàn bộ phần tài sản, vật kiến trúc. Tuy nhiên, phần công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (trong hang đá và dưới lòng đất) rất khó xác định. Ông Tiên Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết, đây là hệ thống tài sản đặc biệt nằm sâu trong lòng núi đá, việc khảo sát, đo đạc và xác định chất lượng, giá trị công trình rất phức tạp, vượt khả năng chuyên môn của huyện. Vì vậy, Hội đồng Bồi thường GPMB huyện phải thuê đơn vị tư vấn để xác định khối lượng và giá trị còn lại của công trình. Hội đồng Bồi thường của huyện cùng với Công ty Xăng dầu B12, Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 đã 4 lần làm việc với đơn vị tư vấn nhưng đơn vị này đã đưa ra nhiều khó khăn chưa thực hiện được. Ngày 21-5, đơn vị tư vấn đề nghị, đây là công trình phức tạp, đơn vị không thể một mình thực hiện nên đề nghị được chủ trì và phối hợp với Công ty CP Tư vấn xây dựng Petrolimex giúp thẩm định giá trị còn lại. Thời gian sẽ được thực hiện trong vòng 45 ngày. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đề nghị Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt vượt 2% tổng giá trị bồi thường hỗ trợ. Huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan để xin ý kiến chỉ đạo.
Rõ ràng, việc đền bù GPMB mỏ đá vôi khu vực kho xăng dầu A318 đã kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132. Đề nghị các ngành chức năng liên quan, huyện Kinh Môn cần khẩn trương, tích cực vào cuộc để GPMB, bàn giao mỏ đá vôi cho Công ty Xi-măng Phúc Sơn phục vụ sản xuất.
VŨ ÚY