Mang trong mình bệnh tật đã khổ, thế nhưng có những người phải kiêng khem ăn uống, sinh hoạt khá khắt khe nên càng khổ hơn.
Do ông Nguyễn Văn L. không tuân thủ kiêng khem trong chế độ ăn uống dẫn đến tăng cân, tăng huyết áp, gây khó khăn trong quá trình điều trị
Kiêng nhiều thứ
Tùy vào loại bệnh và thể trạng của từng bệnh nhân mà kiêng khem khác nhau. Chế độ ăn uống cũng như những thói quen trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị của bệnh nhân. Đối với bệnh nhân tuân thủ tốt theo lời khuyên, tư vấn của các y, bác sĩ thì sẽ có tác động tích cực trong quá trình điều trị bệnh. Do đó, nhiều người đã chịu khó kiêng khem.
Không chỉ kiêng thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, bà Phạm Thị Động (66 tuổi) ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) còn phải kiêng nắng và gió vì căn bệnh viêm bì cơ. Từ tháng 12.2016, cơ thể của bà nổi lên một vài mảng đỏ, ngứa, sau đó lan ra khắp người. Bà đi khám ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà, sau đó lên Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh, rồi Bệnh viện Da liễu Trung ương. Qua một thời gian, bệnh dần ổn định nhưng cách đây không lâu, những vết đỏ lại xuất hiện nhiều hơn khiến bà phải quay lại Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh để khám, điều trị. Bà Động cho biết những ai mắc căn bệnh này đều xác định “sống chung với lũ” vì phải điều trị suốt đời. Mỗi khi ra khỏi nhà, để tránh ánh nắng mặt trời và gió, bà phải bôi kem, mặc áo chống nắng, đội mũ, đeo găng tay, tất, khăn, khẩu trang, kính... Nhiều khi công việc bận rộn, gấp gáp, bà Động cảm thấy phiền hà, mất khá nhiều thời gian chuẩn bị đồ đạc. Đôi khi chỉ một chút sơ sẩy để da tiếp xúc nhiều với nắng gió là cơ thể bà nổi mẩn, ngứa ngáy.
Tuy nhiên, không ít người chỉ kiêng khem trong giai đoạn đầu, sau đó họ không chịu được khó khăn nên dần từ bỏ. Ông Nguyễn Văn L. (51 tuổi) ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ) bị suy thận từ năm 2016, lúc phát hiện thì bệnh đã ở vào giai đoạn phải chạy thận, lọc máu. Dù được các y, bác sĩ khuyên nhủ, căn dặn rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng về chế độ ăn uống nhưng nhiều khi ông L. không kìm lòng được lại trở về thói quen ăn uống như trước đây là ăn khá mặn, ăn một số loại hoa quả như cam, quýt, chuối. Ông L. đã tăng thêm 2 kg so với thời gian trước, huyết áp cũng tăng theo gây khó khăn trong quá trình điều trị. Không chỉ ông L. mà nhiều bệnh nhân suy thận khác khi cảm thấy không hợp khẩu vị vì thức ăn nhạt, khát nước, thèm một số món ưa thích nên tự nhủ không kiêng khem 1-2 ngày vì cho rằng cũng không sao.
Kiêng quá hóa… không tốt
Theo một số bác sĩ, bên cạnh những bệnh nhân khó tuân thủ những nguyên tắc kiêng khem để chữa bệnh thì lại có một số bệnh nhân áp dụng một cách thái quá. Điều này sẽ khiến cho cơ thể người bệnh dễ rơi vào tình trạng suy nhược, không ổn định. Tốt nhất người bệnh nên theo sự tư vấn, hướng dẫn của y, bác sĩ, không nên nghe từ người này truyền qua người kia hoặc thông tin chưa được kiểm chứng rõ ràng, không có cơ sở khoa học, phản tác dụng.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Lan (Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh), số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về da phải kiêng khem trong chế độ ăn uống, sinh hoạt cao hơn so với bệnh nhân mắc những căn bệnh khác. Thế nhưng các y, bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân cần kiêng khem theo lối sống khoa học, chứ không nên thực hiện một cách thái quá. Ví dụ như khuyên bệnh nhân hạn chế dùng một số loại thực phẩm chứ không phải tuyệt đối không sử dụng. Mọi người nên tích cực tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng tránh bệnh tật. Bên cạnh đó, khi đã điều trị bệnh cần áp dụng những lời khuyên từ các y, bác sĩ để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình khám, chữa bệnh.
HUYỀN TRANG