Đang làm phụ hồ cho một công trình xây dựng ở gần nhà thì ông Bước nhận được điện thoại của bà Tâm, vợ ông. Vừa mở máy, đã nghe giọng bà Tâm hốt hoảng:
- Ông tranh thủ về nhà ngay mà giải quyết đi. Bác Cường đang vác dao dọa giết thằng Thược kia kìa.
- Làm gì có chuyện ấy được. Bà bình tĩnh nói tôi nghe xem nào?
- Tôi... tôi... không nói qua điện thoại được đâu. Tôi còn phải đi xem thằng Thược ở đâu để bảo nó trốn đi đã. Ông cứ về nhà rồi sẽ rõ.
Nói rồi, bà Tâm tắt điện thoại cái rụp. Ông Bước nóng lòng muốn hiểu đầu đuôi thế nào nên cứ alo mãi. Không thấy vợ trả lời, ông Bước đành tất tưởi tìm chủ nhà để xin phép nghỉ làm, về qua nhà xem mọi chuyện thế nào.
Vừa về đến cổng, ông đã nghe tiếng bác Cường oang oang:
- Thím Tâm mau bảo thằng Thược ra đây. Lần này nhất định tôi không tha cho nó đâu. Tôi phải xử lý nó, chứ cứ để thế này nhà tôi có gì nó cũng ăn cắp hết à?
Ông Bước chống vội chân chống xe đạp, rồi ôn tồn hỏi:
- Thế thằng Thược nó lấy cái gì của nhà bác mà bác nóng nảy vậy?
- À, chú Bước đã về đấy à? Lần này nó lấy của tôi cái điện thoại. Tôi là tôi bực lắm. Mấy lần trước, tôi nghi nó lấy tiền, thậm chí là cả bao thóc tôi để dành, nhưng không bắt được tận tay. Bảo nó, nó cứ chối bay chối biến nên đành chịu. Lần này, tôi lắp camera rồi, chứng cứ rõ rành rành, nó có chối cãi đằng trời.
- Bác cứ bình tĩnh. Nếu thằng Thược lấy của bác thật thì tôi cam đoan sẽ khuyên giải cháu xin lỗi bác, rồi chuộc lại điện thoại về.
- Mọi chuyện không đơn giản như thế đâu chú Bước ạ. Tôi cũng chỉ là muốn cảnh cáo để cháu nó đừng làm bậy nữa thôi. Chứ nếu vợ chồng cô chú không có biện pháp rắn thì thằng Thược hỏng người là cái chắc. Chuyện này tôi chưa cho qua đâu. Chú thím không xử lý ổn thỏa tôi sẽ báo chính quyền can thiệp đấy.
Nói rồi, ông Cường chép miệng thở dài, cất bước quay về. Thấy ông anh họ rời đi, ông Bước buồn bã dắt xe vào nhà. Bà Tâm nãy giờ nấp sau cánh cửa nghe hai ông nói chuyện lòng cũng buồn rười rượi. Bà quay sang hỏi chồng:
- Tôi đã nói với ông bao lần rồi, nhưng ông có nghe đâu. Ông cứ bảo con ông, từ từ để ông dạy bảo. Nhưng từ ngày thằng Thược nghiện ma túy nó đã gây ra biết bao việc rồi. Trong nhà thứ đồ nào có giá trị nó cũng mang đi bán. Không chỉ riêng nhà bác Cường, mà nhiều nhà khác cũng bảo là thằng Thược "chôm" đồ đạc của họ. Vì không bắt được tận tay nên họ còn nghe ngóng, bỏ qua cho đấy.
Mọi lần nếu bà Tâm nói như vậy, ông Bước sẽ nổi nóng, gạt phăng đi ngay. Nhưng lần này, ông lặng lẽ không nói gì, vừa nhấp cốc nước chè vừa nhìn xa xăm. Thấy vậy, bà Tâm mạnh dạn nói tiếp:
- Hay là, tối nay ông đến nhà chú Hoàng, Chủ tịch xã trình bày xem sao. Để giao thằng Thược cho chính quyền xử lý. Tội ăn cắp nếu được bác Cường bỏ qua cho thì tốt, không thì cứ chấp hành. Rồi mình đề xuất cho thằng Thược đi cai nghiện ma túy mới mong có cơ hội làm lại cuộc đời.
Việc bà Tâm nói, không phải là ông Bước không tính đến. Nhưng ông vốn là người coi trọng sĩ diện, cứ nghĩ đến việc thằng con bị công an bắt, có án trong hồ sơ là ông không thể chấp nhận được. Nên mấy lần, dù biết mười mươi việc của con làm là vi phạm pháp luật, ông cũng đều nhắm mắt cho qua. Lần này thì sự việc phức tạp hơn rồi.
Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, ông Bước lặng lẽ lấy xe đạp đi đến nhà chú Hoàng. Ấp úng mãi, cuối cùng ông cũng nói rõ nguyện vọng của gia đình với người đứng đầu chính quyền địa phương. Để quyết định việc này, ông Bước đã dằn vặt rất nhiều. Bởi có người làm cha, làm mẹ nào lại muốn con mình tù tội. Hiểu cho tâm trạng của ông Bước, anh Hoàng vỗ vai ông động viên:
- Bác Bước cứ bình tĩnh. Trước mắt, bác về khuyên bảo cháu sang xin lỗi bác Cường, rồi gia đình xem chuộc lại cái điện thoại cho bác ấy đi nhé. Xong rồi em sẽ bàn bạc với các đồng chí ở xã xem trường hợp của cháu thì giải quyết thế nào cho hợp tình hợp lý. Nhưng gia đình bác phải xác định tâm lý cho cháu đi cai nghiện ma túy trong thời gian sớm nhất. Như vậy mới mong cháu có cơ hội làm lại cuộc đời, hai bác cũng đỡ khổ.
Nghe anh Hoàng nói vậy, ông Bước xúc động nắm tay anh cảm ơn rồi lại lặng lẽ ra về. Nhìn dáng người đàn ông khắc khổ vì thương con, lòng anh Hoàng chùng xuống. Giá như lớp trẻ biết thương cha mẹ, ngoan ngoãn, phấn đấu vươn lên thì những người như ông Bước đâu phải nghĩ đến chuyện đau lòng này.
NGỌC THANH