Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 31-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 18 về việc đặt thể lệ lưu chiểu văn hóa phẩm trong nước.
Sắc lệnh khẳng định, việc tàng trữ văn hoá phẩm là một việc cần thiết cho quốc gia về phương diện văn hoá. Sắc lệnh ghi rõ, trong toàn quốc Việt Nam, những văn hoá phẩm kể sau đây, hoặc phát không, hoặc bán, hoặc cho thuê, đều phải nộp theo luật lệ “lưu chiểu văn hoá phẩm”. Sở Lưu chiểu văn hoá phẩm toàn quốc, có những nhiệm vụ: thu nạp các văn hoá phẩm kể trong điều thứ nhất; tàng trữ các phẩm vật ấy dùng để làm tài liệu cho nền văn hoá quốc gia...
Hơn ai hết, Bác hiểu rất rõ tác dụng của thư viện. Bởi vì Bác không chỉ là bạn đọc thường xuyên của các thư viện mà chính Bác đã từng làm cán bộ thư viện. Khi dạy học ở Trường Dục Thanh (Bình Thuận), Bác hô hào thành lập thư viện. Vào những năm 1921, 1922, Bác đã tham gia “Hội Liên hiệp thuộc địa” tại Pháp. Trong thời gian đó, ngoài việc rửa ảnh, tham dự các cuộc mít-tinh và viết báo “Người cùng khổ”, Bác còn làm công tác thư viện. Mặc dù không qua một trường lớp đào tạo nào nhưng Bác làm công việc rất cẩn thận và chu đáo.
Nhờ trực tiếp làm công tác thư viện nên hơn ai hết, Bác đã nhận thấy vai trò quan trọng và tác dụng to lớn của thư viện trong việc lưu giữ, truyền bá và tổ chức sử dụng chung các sách báo. Trong điều kiện đời sống của công nhân và nhân dân lao động còn nhiều khó khăn, các gia đình không thể có tiền mua sách. Vì thế, việc tổ chức những thư viện để mọi người đều có thể đọc chung sách báo là rất phù hợp và cần thiết. Đấy cũng là lý do Bác đề ra việc “lập nơi xem sách, xem báo” cho quần chúng nhân dân. Người khẳng định vai trò, tác dụng của thư viện đối với quá trình học tập, nghiên cứu, góp phần nâng cao trí lực của mỗi cá nhân và mặt bằng dân trí của xã hội. Người cũng đã có công xây dựng nên phong trào đọc sách ở trong nhân dân và đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
Từ những quan điểm đúng đắn về thư viện của Bác, vấn đề thư viện đã được đưa vào nghị quyết của Đảng. Ngày nay, quan điểm của Bác vẫn luôn đúng, bởi những quyển sách trong thư viện vẫn giữ một vị trí quan trọng không thể thay thế, cho dù chúng ta đang sống trong thời đại in-tơ-nét toàn cầu.
PHƯƠNG DUNG(biên soạn)