"Kho tư liệu sống" về lời hát xẩm

16/12/2018 09:52

Ở tuổi 95, cụ Nguyễn Thị Lạt ở thôn Quảng Giang, xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) vẫn minh mẫn và có trí nhớ đặc biệt tốt.

Cụ Lạt thuộc nhiều lời hát xẩm, minh mẫn dù đã ở tuổi 95

Cụ có thể hát được chèo, ca trù, cải lương... Riêng về xẩm, cụ là kho tư liệu sống về lời hát.

Cụ Lạt kể lại hơn 80 năm trước, cụ đã dắt người anh trai mù lòa của mình đi khắp Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… hát xẩm mưu sinh. Khi ấy, người thân của cụ đã mất, cụ mới 12 tuổi, kém anh trai 4 tuổi. “Cảnh không nhà không cửa khổ lắm. Hai anh em cả ngày đi hát, đến tối phải đi ngủ nhờ. Nay ở nhờ nhà này, mai ở nhà khác. Hôm nào may xin được bát cơm ăn sáng rồi lại dắt nhau đi”, cụ Lạt nhớ lại. 

Hai anh em dắt nhau đi khắp nơi, có khi hát ở ven đường, gốc đa, góc chợ, sân đền... Anh trai kéo nhị còn cụ hát. Người ta yêu cầu hát bài gì thì cụ hát bài đó. Cụ vừa đi hát vừa học mót, chỉ cần nghe người ta hát 2-3 lần là cụ nhớ được. Dần dần rồi cụ hát được hết các loại xẩm. 

“Cứ có cái ăn, no cái bụng là tốt rồi. Gặp nhà nào làm đám khao, người ta mời vào hát, rồi cho ăn cỗ thì vui lắm”, cụ móm mém nói. Theo lời cụ, khi cụ cất lên câu hát, chẳng ai bỏ mà đi, nghe hết câu mới đi được. Nhưng người ta nghèo đói thì lấy đâu tiền ra mà cho, người ta nghe thì cứ nghe thôi. 

Trong thời gian đi hát, cụ từng gặp rất nhiều “huyền thoại của làng xẩm” như các trùm xẩm: Nguyễn Văn Nguyên (Hà Nội), Nguyễn Văn Mậu (Ninh Bình - chồng cố nghệ nhân Hà Thị Cầu), Nguyễn Văn Tự, Lý Văn An (Hải Phòng)... cùng nhiều nghệ nhân xẩm lão làng khác. 

Tính ra cụ đi hát chừng 7 năm, từ năm 12 - 19 tuổi. Khi anh trai qua đời, cụ đi lấy chồng nên cũng bỏ hẳn nghề. Cụ bảo đi hát cũng không đủ ăn nên cụ ở nhà mò cua bắt ốc qua ngày. Nhà không có ruộng cày cấy nên đến ngày mùa cụ đi mót thóc, kiếm hạt gạo, rơm rạ về đun. 

Khi chúng tôi đề nghị cụ hát thử một vài câu, cụ nhận lời nhưng vẫn băn khoăn chẳng biết còn đủ sức để ngân đúng nhịp nữa không. Cụ cất tiếng hát: "Gió mát trăng ngân, cái đêm nông trường, gió mát mấy trăng ngân… Bao cơn cuốc rượu tửu thần, tửu thần ngâm thơ, lúc gặp anh em, ngồi chơi chén rượu cuộc cờ. Lúc gặp anh em chén rượu chơi cuộc cờ. Khi xem hoa nở khi chờ, chờ đợi trăng thanh, cái đêm nông trường gió mát mấy trăng thanh. Bỗng đâu có khách tài tình, tài tài sang chơi…". 

Dù mái tóc đã bạc trắng, răng rụng hết, lưng còng rạp xuống nhưng khi cất tiếng hát, cụ vẫn say sưa khiến người nghe bồi hồi xúc động. Không có nhị, có sênh đệm nhịp cùng lời hát nhưng từng câu, từng chữ vẫn văng vẳng bên tai. Cụ Lạt đã nghỉ hát từ lâu nhưng cụ vẫn nhớ rất nhiều lời hát bởi trí nhớ đặc biệt tốt. Cụ Lạt có thể hát được trên dưới 10 làn điệu hát xẩm như thập ân, huê tình, hà liễu, ba bậc… Một số bài xẩm cổ như xẩm thuốc phiện, lênh đênh mặt nước cánh bèo… cụ vẫn còn thuộc lời và hát lại được. 

Ông Trương Đình Hoan, con nuôi của cụ cho biết 1 năm gần đây, có nhiều đoàn, câu lạc bộ hát xẩm về tìm gặp cụ. Cứ cách 2 tuần, đoàn hát xẩm ở Hải Phòng, Hà Nội lại về chơi với cụ, nghe cụ hát và nhờ cụ chỉ một vài lối xẩm hát ngày xưa. Ông Hoan nói: "Cụ bỏ nghề lâu rồi nhưng cứ nhắc đến lời xẩm nào cụ cũng nhớ. Ngoài 90 tuổi, cụ vẫn rất minh mẫn, chỉ nặng tai một chút. Cụ thường ra đình tụng kinh cùng các già làng. Nhiều người kém tuổi nhưng so về trí nhớ vẫn không bằng cụ. Hiện tại, cụ thuộc hàng trăm câu kinh". 

Vừa qua, cụ Lạt là khách mời của chương trình tọa đàm và biểu diễn “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu” do nhóm Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý di tích phố cổ Hà Nội và chiếu xẩm Hải Phòng tổ chức tại Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của nhiều "cây đa, cây đề" của làng xẩm. Cụ Lạt cho biết cụ đã chuẩn bị 2 bài hát để tham gia chương trình. Nhưng sau đó vì lý do sức khỏe cụ không đi được. 

Thỉnh thoảng có các đoàn khách về thăm, hỏi cụ về hát xẩm, cụ Lạt rất vui. Cụ bảo: "Ai muốn tìm hiểu, thích sưu tầm lời hát xẩm tôi đều cho hết, tôi nhớ đến đâu đọc cho đến đó, tôi không giữ gì cả".

HÀ NGA

Theo một số tài liệu, hát xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ XIV. Đây là hình thức đàn hát dân gian dành riêng cho những người khiếm thị để mưu sinh. Hát xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn cùng lối diễn xướng dân gian độc đáo, hát xẩm là một trong những loại hình âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta. Thời phong kiến, hát xẩm là tiếng nói phản kháng, lên án bất công cường quyền, áp bức, những thói hư tật xấu của xã hội, bênh vực những số phận bất hạnh, nghèo khổ bị chà đạp. Sau chiến tranh, các làn điệu xẩm được các nhạc sĩ, cán bộ văn hóa sử dụng như một công cụ để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Kho tư liệu sống" về lời hát xẩm