Trong khi giá vải ngày một xuống thấp thì tiền thuê nhân công bẻ vải lại tăng cao gây khó khăn cho chủ vườn.
Vì không thuê được người làm nên chị Liêm phải huy động con cháu trong nhà bẻ vải
Công cao mà ít người mặn màChúng tôi có mặt tại vườn vải nhà chị Đỗ Thị Thìn, thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) giữa lúc cái nắng nóng khá gay gắt. Vì vậy chị Thìn cùng mọi người phải mang vải về nhà để vặt lá và bó lạt. Vừa xếp những chùm vải bỏ vào bao, chị Thìn vừa nói:" Mấy hôm nay thời tiết thất thường, ngày nắng, đêm mưa nên vải chín nhanh, dễ bị nứt, chúng tôi phải thu hoạch gấp để không bị ảnh hưởng tới chất lượng cũng như sản lượng". Nhà chị Thìn có hơn 2 mẫu vải, đã thu hoạch và bán được 9 tấn, còn khoảng 2 tấn thì gia đình để sấy khô.
Vải thiều thường chín rộ trong thời gian rất ngắn nên cần rất nhiều nhân lực để bẻ vải, vặt lá, bó lạt rồi mang tới các điểm cân. Hơn nữa các hộ thu hoạch gần như cùng thời điểm nên việc tìm kiếm người bẻ vải rất khó khăn. Khoảng 20 ngày nay từ lúc vải sớm cho thu hoạch, ngày nào gia đình chị Thìn cũng thuê từ 5-6 người, lúc nhiều nhất là 10 người để thu hoạch vải với giá 220.000 đồng/người/ngày. Chị Thìn ngậm ngùi nói: "Giá ngày công bẻ vải tuy cao nhưng thuê được người bẻ là tốt lắm rồi vì trời nắng nóng, không ai muốn làm. Có khi hẹn trước với người ta vài ngày rồi nhưng sau đó người ta lại từ chối khéo. Hơn nữa, mùa thu hoạch vải lại trùng với mùa gặt nên ai cũng bận rộn, khó thu xếp được thời gian. Hôm qua, tôi bán vải được 8.000 đồng/kg. Cả ngày, tôi cùng 5 người làm bẻ được 5 tạ vải. Nếu tính cả tiền thuốc sâu, phân bón, tiền công bẻ thì lãi lờ chả đáng là bao, có khi còn lỗ. Nhưng vải chín, chẳng lẽ lại vứt đấy".
Chị Nguyễn Thị Liễu, người bẻ vải thuê cho gia đình chị Thìn cho biết: "Giá một ngày công bẻ vải có cao hơn chút ít so với giá công gặt, nhưng bẻ vải phải leo trèo, có khi cây cao rất nguy hiểm nên mọi người cũng ngại làm. Mấy ngày trước, tôi hay đi gặt thuê, lúa đang vào vụ nên nhiều người gọi. Bây giờ lúa đã vãn nên tôi mới đi bẻ vải thuê. Trời nắng, tôi cùng mấy chị em phải đi bẻ từ sáng sớm, khi mặt trời lên cao hơn đầu người là đã không làm được nữa rồi, nên phải mang vải về vặt lá, đến chiều mát mới đi bẻ tiếp".
Phụ nữ bẻ vảiCũng có hơn 2 mẫu vườn trồng vải, nhưng vải nhà chị Phạm Thị Liêm ở thôn An Lão, xã Thanh Khê được trồng theo quy trình VietGAP nên chị thu hoạch muộn hơn. Bây giờ nhà chị mới bước vào vụ nhưng chị đã không biết xoay xở ra sao để tìm người bẻ vải. Ở xã chị, tiền công bẻ được tính bằng khối lượng vải: đối với cây thấp là 200.000 đồng/tạ, cây cao là 250.000 đồng/tạ. Nhưng ai cũng từ chối hoặc thậm chí nếu nhận lời làm phải giao ước trước là chỉ bẻ cây thấp. Chị nói:" Người bẻ vải chủ yếu là phụ nữ trung tuổi bởi thanh niên trong xã đều đi làm công ty hoặc làm ăn xa. Ngay đến bản thân tôi cũng sợ khi thuê các chị bẻ cây cao, vì nếu không may rất có thể tai nạn đáng tiếc sẽ xảy ra. Do đó, đối với những cây cao, gia đình tôi thường chặt cành, sau đó mới lấy quả. Đó cũng coi như là một giải pháp an toàn". Vải trong vườn đang chín rộ, mỗi ngày gia đình chị Liêm phải thuê 10 người bẻ vải để kịp thu hoạch. Chính vì thế mà để nhanh tìm được người, bẻ vải ngoài giá thành chung của cả xã, chị còn phải bao ăn trưa cho người làm. "Gia đình tôi trồng vải sạch theo quy trình VietGAP và sử dụng phân bón Neb 26 với diện tích khoảng 1,4 mẫu, ước tính đạt 5 tấn vải, còn lại là vải thường. Thế nhưng công ty về thu mua với số lượng ít nên tôi phải bán vải ra ngoài thị trường cho thương lái bằng giá vải thường, nếu có cao hơn cũng chỉ hơn được 1.000 đồng/kg. Vì trồng vải theo quy trình VietGAP nên gia đình tôi phải đầu tư gấp 2 - 3 lần so với những hộ trồng vải thông thường, nhưng giá vải bán ra vẫn thấp. Trong khi giá tiền thuê người bẻ lại cao, nên tôi tính vụ vải này chỉ lãi được khoảng 15 triệu đồng, thôi thì lấy công làm lãi", chị Liêm than thở.
Ông Nguyễn Văn Tuynh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: "Hiện tại, giá vải thiều lên xuống bấp bênh, thậm chí thay đổi trong ngày. Người dân không thể chờ đến khi giá cao mới bán vì khi vải báo mã 3, nếu không thu hoạch ngay sẽ bị sâu đầu và nứt vỏ. Vì vậy, người dân phải thu hoạch nhanh nên cần lượng người bẻ vải lớn.
Nắng nóng kéo dài đã đẩy giá công bẻ vải lên cao. Nhiều người đã đổi công cho nhau để giảm bớt chi phí.
MƠ NGUYỄN