Nhiều bơm kim tiêm bẩn chưa được thu gom tiềm ẩn nguy hiểm đối với sức khỏe của người dân...
Mỗi tháng Trạm Y tế phường Cẩm Thượng phát ra 500-700 bơm kim tiêm sạch nhưng hầu như
không thu lại được bơm kim tiêm bẩn tại hộp thu gom
Thực hiện chương trình giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV/AIDS, thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế đã triển khai các dự án tài trợ việc thu phát bơm kim tiêm (BKT) miễn phí cho đối tượng tiêm chích ma túy (TCMT), nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Thông qua các dự án, nhiều nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng được thành lập đã thực hiện việc cấp phát BKT sạch và thu hồi BKT bẩn tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, từ năm 2014, hầu hết các dự án này ngừng hoạt động, nhiều nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng tan rã hoặc không thực hiện việc thu, phát BKT.
Hiện nay, việc thu phát BKT miễn phí trên địa bàn tỉnh thông qua kênh tuyên truyền viên đồng đẳng chỉ còn do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam triển khai ở các huyện Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc, Kinh Môn, Nam Sách và thị xã Chí Linh. Số lượng tuyên truyền viên đồng đẳng hiện chỉ có 31 người. Do địa bàn hoạt động rộng, ít người thực hiện nên hiệu quả thu gom BKT bẩn không cao.
Chị Nguyễn Thị Lành, Trưởng nhóm Dưa Hấu Đỏ (Gia Lộc) phụ trách gần 60 người TCMT, nhiễm HIV có nhu cầu sử dụng BKT. Trung bình mỗi tháng chị thu gom BKT 2 lần. So với số BKT sạch phát ra, số BKT bẩn thu lại chỉ được 20 - 30%. Với kinh phí hỗ trợ chỉ 1,4 triệu đồng/tháng, chị Lành không đủ tiền xăng xe. "Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người sử dụng sau khi dùng BKT để vào nơi quy định hoặc mang đến điểm yêu cầu nhưng không hiệu quả", chị Lành cho biết.
Sau khi nhiều dự án của nước ngoài ngừng hoạt động, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục duy trì việc phát BKT miễn phí cho người TCMT thông qua các cộng tác viên của các trạm y tế. Trung tâm cấp đủ số lượng trên cơ sở các địa phương đăng ký để phát cho người nghiện. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 120 địa điểm có hộp cố định và hộp an toàn phát, thu BKT miễn phí đặt tại các trạm y tế. Ở Kim Thành, Kinh Môn, Cẩm Giàng và TP Hải Dương, 100% số trạm y tế có đặt hộp cố định thu, phát BKT. Do kinh phí hạn hẹp, các nơi không bố trí được người đi thu gom BKT bẩn. Người TCMT lấy BKT sử dụng xong nhưng hầu như không mang đến điểm thu gom.
Chị Đinh Thị Lý, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) thông tin: "Phường hiện có gần 20 người TCMT. Mỗi tháng, trạm phát 500 - 700 chiếc BKT. Nhiều tháng, trạm không thu được chiếc BKT bẩn nào tại hộp an toàn. Người nghiện sử dụng xong thường vứt bừa bãi hoặc vứt vào thùng rác gia đình".
Hiện nay, ngoài số lượng BKT được phát qua kênh miễn phí, số BKT người nghiện mua và sử dụng xong vứt bừa bãi tương đối lớn. Những BKT bẩn này không được thu gom kịp thời rất nguy hiểm đối với sức khỏe của người dân. Đối tượng dễ gặp nguy hiểm nhất là trẻ em khi các em nô đùa dễ dẫm phải hoặc lấy BKT để chơi. Nhiều người sống quanh các khu vực công viên, gầm cầu, bãi tha ma, khu đất hoang... có con nghiện TCMT rất búc xúc vì có BKT bẩn vứt bừa bãi.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, thời gian tới, trung tâm sẽ bố trí hoặc kêu gọi tài trợ để có kinh phí khởi động lại hoạt động của các nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng. Các nhóm này ngoài việc thu phát BKT còn thực hiện tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, vận động con nghiện, người nhiễm HIV thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, thực hiện các biện pháp cai nghiện, có ý thức tự thu gom BKT đã qua sử dụng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sống xung quanh những nơi có BKT bẩn cùng chung tay thu gom; nêu cao ý thức thu gom, phân loại, xử lý BKT bẩn. Tỉnh cũng cần bố trí nguồn kinh phí nhất định dành cho công tác này.
DANH TRUNG